Phát huy hiệu quả của phần mềm một cửa điện tử
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy hiệu quả của phần mềm một cửa điện tử

Sau thời gian đầu đi vào vận hành, phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. 

 

UBND huyện Tuy Phước sẽ đầu tư để hoàn thành phần mềm một cửa điện tử tại UBND xã Phước Thắng trước ngày 31.3.2020 theo kế hoạch.

Chỉ còn 6 xã chưa “hòa mạng”

Thực hiện Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 19.9.2019 của UBND tỉnh về triển khai xây dựng phần mềm một cửa điện tử (MCĐT) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực chủ động phối hợp với VNPT Bình Định tiến hành khởi tạo phần mềm, tổ chức tập huấn việc sử dụng cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã có tham gia thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và vận hành thử nghiệm trước khi chính thức đưa vào sử dụng tại địa phương.

Tính đến ngày 31.12.2019, đã có 11/11 UBND cấp huyện và 153/159 UBND cấp xã chính thức vận hành sử dụng phần mềm MCĐT, vượt chỉ tiêu đặt ra. Theo Kế hoạch số 79/KH-UBND, đến ngày 31.12.2019, có ít nhất 30% số lượng đơn vị cấp xã thuộc các huyện, thị xã và 100% đơn vị cấp xã thuộc TP Quy Nhơn hoàn thành việc xây dựng phần mềm MCĐT; các đơn vị cấp xã còn lại hoàn thành trước ngày 31.3.2020.

Trong số 6 UBND xã chưa vận hành phần mềm MCĐT, có 3 xã Bok Tới, Đắk Mang, Ân Sơn thuộc huyện Hoài Ân do chưa có đường truyền internet. 3 xã còn lại là Phước Thắng, Phước Nghĩa, Phước Thuận thuộc huyện Tuy Phước do điều kiện hạ tầng thông tin còn nhiều khó khăn, hạn chế; UBND huyện Tuy Phước sẽ đầu tư nâng cấp và triển khai xây dựng để hoàn thành phần mềm MCĐT trước ngày 31.3.2020 theo kế hoạch.

Như vậy, với việc hoàn thành phần MCĐT cấp huyện, cấp xã để kết nối liên thông với phần mềm MCĐT của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỉnh Bình Định đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hệ thống thông tin MCĐT cấp tỉnh theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23.4.2018 của Chính phủ quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. 

Phát huy hiệu quả

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, việc triển khai xây dựng phần mềm MCĐT cấp huyện, cấp xã được thực hiện bài bản, thống nhất, đồng bộ. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thể hiện sự quyết tâm, làm việc khẩn trương, trách nhiệm và có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị để đáp ứng tốt điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện TTHC. Trong đó, UBND các huyện Phù Cát, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Vân Canh, Hoài Ân đã tiến hành rà soát, đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc (máy vi tính, máy scan, máy tra cứu thông tin, camera...) bố trí cho các phòng, ban chuyên môn và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã để phục vụ công tác triển khai xây dựng phần mềm MCĐT.

Bên cạnh đó, hầu hết các sở, ban, ngành đã tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC để thiết lập quy trình điện tử trên Hệ thống phần mềm MCĐT của tỉnh. “Đây là vấn đề mang tính then chốt, giúp cho Hệ thống phần mềm MCĐT của tỉnh phát huy hiệu quả trong công tác lưu chuyển hồ sơ điện tử và thực hiện chức năng theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan từ cấp xã đến cấp tỉnh”, ông Bình nhận định.

Phần mềm MCĐT ở cấp huyện, xã đảm bảo kết nối liên thông với phần mềm đang áp dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để luân chuyển hồ sơ TTHC điện tử. Qua đó, phục vụ tốt cho công tác theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Hiện nay, TTHC trên các lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, chính sách người có công, đất đai đã được đồng bộ, liên thông giải quyết từ cấp xã đến cấp tỉnh thông qua phần mềm MCĐT.

Đáng chú ý, từ khi triển khai phần mềm MCĐT, chất lượng công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng được nâng cao. Hoạt động của bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, góp phần mang đến sự hài lòng ngày càng cao cho tổ chức và công dân trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Theo kết quả thống kê trên Hệ thống thông tin MCĐT của tỉnh, tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn lên đến 90,5%.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến. Theo Phó Giám đốc VNPT Bình Định Phạm Quốc Trung, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai (thuộc Sở TN&MT quản lý) có sự tham gia phối hợp giải quyết của nhiều đơn vị liên quan, nhất là các quy trình liên thông các cấp. Do đó, VNPT tốn nhiều thời gian để chuyển đổi quy trình nội bộ sang quy trình điện tử trên phần mềm, cũng như điều chỉnh cho phù hợp với thực tế sau khi triển khai áp dụng chính thức.

Theo MAI LÂM (baobinhdinh.com.vn)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...