Hỏi đáp pháp luật về phòng chống tham nhũng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỏi đáp pháp luật về phòng chống tham nhũng

Tìm hiểu một số quy định về phòng, chống tham nhũng trong Hiến pháp năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

 

1. Tham nhũng là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

2. Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, những hành vi nào là hành vi tham nhũng?

Trả lời:

Hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, gồm:

  1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

3. Đề nghị cho biết thuật ngữ “xung đột lợi ích” phòng, chống tham nhũng? Nêu các trường hợp xung đột lợi ích?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.

Các trường hợp xung đột lợi ích được quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

- Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;

- Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

- Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

- Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

- Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;

- Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.

4. Xin hỏi, trách nhiệm giải trình là gì? Đề nghị cho biết cơ quan, tổ chức, đơn vị có được từ chối yêu cầu giải trình không?

Trả lời:

Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao” (Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình (Khoản 1 Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình như sau:

- Cá nhân yêu cầu giải trình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

- Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.

Như vậy, những trường hợp yêu cầu giải trình không đáp ứng điều kiện nêu trên thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được từ chối ngay khi tiếp nhận yêu cầu giải trình. Điều 5 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định các trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình như sau:

- Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

- Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.

- Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.

- Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị cho biết, nội dung giải trình và những nội dung không thuộc phạm vi giải trình theo Luật Phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì nội dung giải trình gồm:

- Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi.

- Nội dung của quyết định, hành vi.

Những nội dung không thuộc phạm vi giải trình gồm:

- Nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.

(Điều 6 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019).

6. Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan X đối với gia đình tôi về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Nay tôi muốn biết cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định này. Xin hỏi, tôi có thể đề nghị cơ quan X giải trình không? Nếu có thì trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp của ông/bà nêu thuộc trách nhiệm giải trình của cơ quan A. Vì vậy ông/bà có thể yêu cầu giải trình bằng văn bản hoặc trực tiếp đến tại cơ quan X để yêu cầu giải trình theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp yêu cầu giải trình bằng văn bản:

- Văn bản yêu cầu giải trình phải nêu rõ nội dung yêu cầu giải trình, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ thư tín của ngươiù yêu càu giải trình.

- Văn bản yêu cầu giải trình phải có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của người yêu cầu giải trình.

Trường hợp yêu cầu giải trình trực tiếp:

- Người yêu cầu giải trình trình bày rõ ràng nội dung yêu cầu với người được giao tiếp nhận yêu cầu giải trình.

- Người được giao tiếp nhận yêu cầu giải trình phải thể iện trung thực nội dung yêu cầu giải trình bằng văn bản; ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ thư tín của người yêu cầu giải trình;

- Người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản yêu cầu giải trình.

7. Đề nghị cho biết, thời hạn thực hiện việc giải trình được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình; trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần; thời gian gia hạn không quá 15 ngày và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình.

Thời gian tạm đình chỉ việc giải trình theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này không được tính vào thời hạn thực hiện việc giải trình.

8. Vừa qua, S đã có văn bản yêu cầu cơ quan C giải trình về quyết định hành chính liên quan đến S. Tuy nhiên, trong thời hạn chờ giải trình, S đã bị tai nạn qua đời. Xin hỏi, trong trường hợp này, việc giải trình được xử lý như thế nào?

Trả lời:

 Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người thực hiện trách nhiệm giải trình quyết định đình chỉ việc giải trình trong các trường hợp sau:

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân đã chết mà không có người thừa kế quyền, nghĩa vụ; cơ quan, tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể mà không có cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình;

- Người yêu cầu giải trình là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo pháp luật;

- Người yêu cầu giải trình rút toàn bộ yêu cầu giải trình.

Trong tình huống này, S là người yêu cầu giải trình đã chết thì xảy ra hai trường hợp:

Một là: Nếu S có người thừa kế quyền, nghĩa vụ thì người thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ gửi văn bản giải trình cho người thừa kế.

Hai là: Nếu S không có người thừa kế quyền, nghĩa vụ thì người thực hiện trách nhiệm giải trình quyết định đình chỉ việc giải trình.

9. Đề nghị cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật (gồm 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước).

- Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

- Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

- Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Mục 2 Chương IX của Luật (gồm các hành vi: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm quy định về quy tắc ứng xử; vi phạm quy định về xung đột lợi ích; vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập).

10. Đề nghị cho biết những biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Tại Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định 06 nhóm biện pháp mà cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện để phòng ngừa tham nhũng gồm:

- Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.

          - Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

11. Xin hỏi, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch những nội dung gì và hình thức công khai như thế nào?

Trả lời

Điều 10, 11 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân.

- Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

- Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp nêu trên mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch trên còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Hình thức công khai:

- Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Phát hành ấn phẩm.

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

- Tổ chức họp báo.

- Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Trường hợp luật khác không quy định về hình thức công khai thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức công khai: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

12. Công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Xin hỏi, pháp luật quy định quyền của công dân yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 thì các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự giám sát của Nhân dân. Luật tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận (như thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng…). Để tạo điều kiện công dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ quan, tổ chức đơn vị cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điểm h Khoản 1 Điều 11).

Điều 14 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:

 “1.Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.

2. Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

3. Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan”.

13. H là thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan nhà nước X. H đã bố trí em ruột giữ chức vụ Trưởng phòng tổ chức cán bộ của đơn vị mình. Xin hỏi, hành vi này của H có vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng không? Nếu có thì H sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 83 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Như vậy, với hành vi nêu trên, H sẽ bị cảnh cáo vì lần đầu có hành vi bố trí em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự.

14. Do làm ở bộ phận giải quyết thủ tục hành chính, thỉnh thoảng ông A được một số cá nhân đến yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính có nhã ý tặng quà, mặc dù đã từ chối nhưng công dân vẫn để lại món quà đó tại nơi làm việc của ông A. Xin hỏi trong trường hợp này giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đồng thời, Điều 25, 26 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

Như vậy ông A nên báo cáo Thủ trưởng cơ quan mình về việc được tặng quà và nộp lại món quà đó để Thủ trưởng cơ quan có biện pháp xử lý món quà tặng đó theo quy định pháp luật.

15. Tôi là công chức tại cơ quan K. Xin hỏi, tôi không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan thì có phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:

- Cán bộ, công chức.

- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, ông/bà là công chức thì có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

16. N vừa nhận quyết định tuyển dụng công chức, lần đầu thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Xin cho biết N phải kê khai những tài sản, thu nhập nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

17. K là công chức, không giữ chức vụ quản lý, K đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu vào năm 2019. Xin hỏi, K có phải kê khai hàng năm không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập:

2. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai hàng năm theo quy định.

3. Kê khai hàng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

- Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12;

- Người không giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.

4. Kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

- Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này (cán bộ, công chức, sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;

- Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này (Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Như vậy, đối với trường hợp của K là công chức không giữ chức vụ quản lý, nên K không phải kê khai hàng năm, mà chỉ thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập.

18. Đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thì:

- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

- Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

- Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

- Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

19. Xin hỏi, khi nào thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;

- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.

20. Do tin tưởng cấp dưới, thủ trưởng cơ quan A đã không biết việc cấp dưới tham nhũng. Khi được biết về hành vi tham nhũng của cấp dưới, thủ trưởng cơ quan A cũng không đưa ra giải pháp nào để khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, thủ trưởng cơ quan A có bị tăng nặng trách nhiệm không?

 Trả lời:

 Việc tăng nặng trách nhiệm kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 73 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Theo đó: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thủ trưởng cơ quan A sẽ bị tăng nặng trách nhiệm khi biết về hành vi tham nhũng của cấp dưới, không thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng.

21. Công chức X đã “đòi” doanh nghiệp A một khoản tiền để giúp thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng khu chung cư tại trung tâm thành phố. Vụ việc bị phát hiện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết. Đề nghị chi biết, số tiền công chức X đã nhận của doanh nghiệp A sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý tài sản tham nhũng thực hiện theo Điều 93 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, theo đó, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, số tiền công chức X đã nhận của doanh nghiệp A phải được thu hồi, trả lại cho doanh nghiệp A. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp A chủ động đưa hối  lộ thì khoản tiền này sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật và doanh nghiệp A phải chịu trách nhiệm về hành vi hối lộ, tùy theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu về tội đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.    22. M là thủ trưởng 01 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. Vừa qua, M đã tự nguyện xin thôi giữ chức vụ quản lý. Một thời gian sau, M dự định góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh trong lĩnh vực M đã phụ trách trước đây. Xin hỏi, M có được góp vốn thành lập công ty này không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Theo điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ được quy định như sau: từ 12 tháng đến 24 tháng đối với nhóm 1 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này.

Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, thời hạn mà ông M không được thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn sau khi thôi chức vụ là từ 12 tháng đến 24 tháng.

23. Tại sao phải chuyển đổi vị trí công tác? Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được quy định như thế nào?

Trả lời:

Chuyển đổi vị trí công tác là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Mục đích của giải pháp này nhằm phòng ngừa tình trạng cán bộ, công chức công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác, quản lý để lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực; có sự móc ngoặc, thông đồng với đối tượng bị quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực....

Vì vậy, Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi.

Theo đó, Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau:

- Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.

- Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

24. Chị A là cán bộ quản lý thuế của Chi cục thuế, chị A đã quản lý doanh nghiệp tôi 03 năm, nay chị A đang mang bầu được 03 tháng. Xin hỏi chị A có thuộc trường hợp phải chuyển đổi vị trí công tác không?

Trả lời:

Căn cứ vào Phụ lục Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì chị A thuộc trường hợp phải chuyển đổi vị trí công tác. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 38 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác thì chị A sẽ thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác sau sinh con xong và con được 36 tháng tuổi mới.

Điều 38 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác như sau:

 - Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.

- Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái.

- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.

25. Anh K bị ra quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác do có đơn tố cáo thực hiện hành vi tham nhũng. Hết thời hạn tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với anh K, kết luận của cơ quan có thẩm quyền là anh K không có hành vi tham nhũng như đơn tố cáo nên hủy bỏ quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác. Vậy trong trường hợp này, việc hủy quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác của anh K có được công khai không?

Trả lời:

Theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì khi hủy bỏ quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác phải công khai.

Việc công khai quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được quy định tại Điều 49 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP như sau.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, người ra quyết định có trách nhiệm công khai bằng một trong các hình thức sau đây:

- Công bố tại cuộc họp toàn thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác làm việc;

- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đó làm việc trong thời hạn 15 ngày liên tục, kể từ ngày niêm yết.

Do đó, việc hủy quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác của anh K phải được công khai ttrong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định.

26. M được người đến nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng tặng 01 thẻ khuyến mại (voucher) nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng. Mặc dù M đã từ chối nhưng người đến nộp hồ sơ vẫn cố tình để lại voucher. Xin hỏi, trường hợp này, sẽ xử lý quà tặng như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về xử lý quà tặng thì đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.

Như vậy, trong trường hợp này Thủ trưởng cơ quan nơi M công tác phải thông báo đến khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng ghi trong voucher được tặng về việc không sử dụng dịch vụ ở đây.

27. Trong quá trình làm việc, N đã lợi dụng vị trí công tác của mình, lợi dụng những thông tin mình biết được để vụ lợi cá nhân. Xin hỏi, Thủ trưởng cơ quan của N phải làm gì để ngăn chặn hành vi này của N?

          Trả lời:

Hành vi sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác của N là một trong các trường hợp xung đột lợi ích được quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

- Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

- Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

(quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018)

Vậy, trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ quan của N phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp nêu trên để kiểm soát xung đột lợi ích.

28. Do phát hiện có hành vi nhận hối lộ trong khi thi hành công vụ tại cơ quan của ông H nên ông bị tạm đình chỉ công tác. Đê nghị cho biết, ông H sẽ bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian bao nhiêu ngày?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với trường hợp của ông H là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.29. Đề nghị cho biết những chủ thể nào ngoài khu vực nhà nước sẽ bị thanh tra để phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Nhằm phòng ngừa tham nhũng xảy ra ở khu vực tư nhân (doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước), Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó có biện pháp thanh tra.

Đối tượng thanh tra bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức sau:

- Công ty đại chúng;

- Tổ chức tín dụng;

- Tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

30. Đề nghị cho biết, pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định việc yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin bằng những hình thức nào?

Trả lời:

Theo Điều 67 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan tổ chức thì việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu.

Văn bản hoặc thông điệp dữ liệu yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua giao dịch điện tử cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu.

31. Cơ quan A nhận được yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của anh B. Tuy nhiên những thông tin yêu cầu cung cấp đã được cơ quan A niêm yết công khai tại bảng tin, trụ sở cơ quan. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, cơ quan A có phải cung cấp thông tin theo yêu cầu nữa không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 về thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin phải tiến hành một trong các hoạt động sau:

1. Thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện sau:

- Thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;

- Thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu;

- Chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai.

2. Trả lời bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức yêu cầu trong trường hợp nội dung thông tin được yêu cầu không đáp ứng các điều kiện được quy định nêu trên và nêu rõ lý do.

3. Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó.

Trong trường hợp này, cơ quan A có thể cung cấp thông tin theo yêu cầu hoặc không cung cấp thông tin. Nếu không cung cấp thông tin thì cơ quan A phải thông báo bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin với lý do đã niêm yết công khai tại tại bảng tin, trụ sở cơ quan.

32. Để điều tra, xác minh theo đơn tố cáo đối với M, cơ quan X đã yêu cầu cơ quan nơi M công tác cung cấp thông tin liên quan đến M. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin cung cấp, cơ quan X nhận thấy thông tin cung cấp còn sơ sài, chưa đầy đủ. Xin  hỏi trong trường hợp này, cơ quan X có được khiếu nại không?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 về bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, trong trường hợp cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin có căn cứ cho rằng việc cung cấp thông tin là chưa đầy đủ hoặc trái pháp luật thì có quyền khiếu nại.

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyền yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Căn cứ theo quy định nêu trên, cơ quan X có quyền khiếu nại để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

33. Chị B là thủ trưởng đơn vị. Vừa qua, trong đơn vị có chị T – Trưởng phòng bị cơ quan chức năng phát hiện có hành vi tham nhũng và đã xử lý theo pháp luật. Xin hỏi, chị B có bị xử lý kỷ luật không?

Trả lời:

Căn cứ theo tại Điều 77 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức.

Đối chiếu quy định nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc, chị B sẽ bị xử lý bằng một trong những hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo hoặc Cách chức.

  •  Hình thức khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.

- Hình thức cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

- Hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

34. Anh F có hành vi cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xin hỏi anh F sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp ông/bà nêu sẽ áp dụng Khoản 1 Điều 82 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP để xử lý, cụ thể như sau:

Người cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; phải hoàn trả phần giá trị đã cho phép sử dụng trái quy định và bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.

II. TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017)

1. Mấy hôm nay, cả khu phố A xôn xao về chuyện B là thủ kho của Công ty TNHH xuất nhập khẩu C đã tự ý bán một số máy móc, thiết bị trong kho của công ty để lấy tiền tiêu xài. B bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Một số người thắc mắc không biết có đúng là B phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn không vì B không có chức vụ gì mà chỉ là nhân viên thủ kho. Xin hỏi thế nào là người có chức vụ và tội phạm về chức vụ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó Điều 352 quy định khái niệm tội phạm về chức vụ như sau:

- Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

- Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Trong trường hợp này, B lợi dụng mình là thủ kho đã tự ý bán tài sản của công ty mà mình có trách nhiệm quản lý. Hành vi của B là hành vi tham ô tài sản. Nếu số tài sản B chiếm đoạt mang đi bán có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng trước đó B đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì B phạm tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là tội thuộc loại tội phạm chức vụ.

2. Thế nào là tội tham ô tài sản?

Trả lời:

Tội tham ô tài sản là hành vi cố ý của người có trách nhiệm quản lý tài sản lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Người phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội (Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).

Tội phạm đã xâm hại đến huan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Biểu hiện của hành vi phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người phạm tội: Từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mục đích của hành vi phạm tội: Tư lợi cá nhân với lỗi cố ý.

3. ABC là một nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng đã tham gia thi công nhiều dự án giao thông quan trọng. Được biết Dự án xây dựng công trình trụ sở cơ quan của tỉnh X sắp được triển khai. Công ty ABC đã gặp gỡ ông G là Trưởng Ban Quản lý Dự án đưa hối lộ 200 triệu đồng và thỏa thuận nếu trúng thầu sẽ chi 30% giá trị gói thầu. Vụ việc bị phát hiện, cơ quan có thẩm quyền đã truy cứu ông G về tội nhận hối lộ. Xin hỏi ông G sẽ phải đối diện với mức phạt tù bao nhiêu năm?

Trả lời

Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tội nhận hối lộ như sau:

- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Tiền, tài sản hoặc li ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Lợi ích phi vật chất.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định nêu trên.

Đối chiếu quy định trên, tùy thuộc vào giá trị gói thầu mà ông G sẽ bị áp dụng mức xử lý phù hợp.

4. Ngân hàng chính sách xã hội huyện H ký Hợp đồng ủy thác với Hội Liên hiệp phụ nữ xã X về việc thực hiện một số nội dung công việc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong xã X xay tiền. Trong nội dung ủy thác không có nhiệm vụ thu tiền gốc và tiền lãi của các hộ dân. Tuy nhiên, bà H là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã X đã lợi dụng sự tin tưởng của các hộ dân nên đứng ra thu tiền giúp các hộ dân trả cho Ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, H không nộp Ngân hàng mà đã chiếm đoạt và sử dụng hết. Tổng số tiền H đã chiếm đoạt là 250.000.000 đồng của 10 hộ dân. Xin hỏi, bà H phạm tội gì và sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Bà H phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ” được quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Với hành vi phạm tội này, bà H sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều luật này.

Khoản 2 Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”.

Ngoài ra, bà H còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo quy định tại khoản 5 Điều 355 Bộ Luật hình sự).

5. Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ bị áp dụng hình phạt như thế nào?

Trả lời:

Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo tính chất, mức độ và giá trị tài sản bị thiệt hại mà người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn và hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hoặc phạt tiền. Cụ thể như sau:

- Hình phạt chính:

+ Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

+ Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: (1)Có tổ chức; (2)Phạm tội 02 lần trở lên; (3) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

+ Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

6. Thế nào là tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ? Người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người của người có trách nhiệm thi hành công vụ vì vụ li hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyn, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).

Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X đã cho 5 hộ gia đình thuê đất công ích để làm nhà ở lâu dài và thu của mỗi hộ gia đình 100 triệu đồng để tiêu dùng cá nhân.

Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại mà người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ có thể bị áp dụng hình phạt như sau:

a) Phạt tù từ 01 năm đến 07 năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyn, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

          b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

c) Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

d) Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

7. Ông K là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Y. Ông K đã yêu cầu chị H là Trưởng Ban chấm thi của Trường THPT X nâng điểm các môn thi của học sinh D – con của 01 nhà doanh nghiệp lớn (do doanh nghiệp này đã đưa cho K 1 khoản tiền để lo việc nâng điểm). Vụ việc của K đã bị phát hiện và cơ quan có thẩm quyền truy tố K. Xin hỏi, K phạm tội gì? Pháp luật quy định như thế nào về tội mà K phạm phải?

Trả lời

K phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo quy định tại Điều luật này, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn cố ý trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, rồi dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa.

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bị xử phạt như sau:

Hình phạt chính:

1. Phạt tù từ 01 năm đến 06 năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân trường hợp phạm tội:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

8. K là nhân viên của Phòng công chứng X. K đã giả mạo chữ ký của Trưởng phòng công chứng để công chứng một hợp đồng mua bán tài sản của người quen trong khi chỉ có mặt một bên trong hợp đồng (K đã nhận tiền bồi dưỡng từ người quen này. Việc làm của K đã bị phát hiện. Xin hỏi, K phạm tội gì? Pháp luật quy định như thế nào về tội mà K phạm phải?

Trả lời:

Tùy theo tính chất mức độ của hành vi mà K có thể bị phạt tù theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giả mạo trong công tác như sau:

- Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

+ Làm, cấp giấy tờ giả;

+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

+ Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

+ Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

9. Tại ca trực đêm, bác sĩ H đã tiếp nhận một sản phụ đến bệnh viện sinh con. Sản phụ đau nhiều, sức khỏe yếu, có tiền sử bệnh tim nên gia đình đề nghị sinh mổ. Do muốn nghỉ ngơi nên bác sĩ H cho rằng cần để theo dõi thêm và sản phụ có thể sinh thường. Sáng hôm sau, sản phụ không thể chịu đựng được và tha thiết được sinh mổ. Tuy nhiên, do phẫu thuật muộn, bệnh nhân đã kiệt sức và tử vong, thai nhi yếu phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Gia đình nạn nhân đã có đơn tố cáo đến công an đề nghị xử lý hình sự đối với bác sĩ H. Xin hỏi, bác sĩ H có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì?

Trả lời

Bác sĩ H phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một troncác trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật hình sự (về các tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng; tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

10. Đề nghị cho biết hình phạt áp dụng đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác?

Trả lời:

Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác được quy định tại Điều 361 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt đối với tội này như sau:

a) Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này.

b) Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trường hợp phạm tội:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

+ Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

c) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

11. Thế nào là tội đào nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự?

Trả lời:

“Đào nhiệm" là việc cán bộ, công chức cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác.

Tội đào nhiệm được quy định tại Điều 363 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Theo quy định của điều luật này người phạm tội đào nhiệm là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác và hành vi đào nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ: Chiến sĩ A được phân công đứng gác tại chốt X, do A bỏ nhiệm vụ để về nhà ăn giỗ nên đã có người đột nhập vào cơ quan X lấy đi một số tài liệu quan trọng.

Điều 363 Bộ luật hình sự quy định như sau:

1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

c) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

12. Xin hỏi, người đưa hối lộ có bị xử lý hình sự không?

Trả lời:

Tùy theo giá trị tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất mà người đưa hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Điều luật này thì tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của người trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác tiền, tài sn, lợi ích vật chất khác, lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa.

Hình phạt áp dụng đối với tội này được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trường hợp phạm tội:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm các trường hợp phạm tội sau đây:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

4. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Như vậy, người đưa hối lộ chỉ bị xử lý hình sự khi vật đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất. Đối với trường hợp đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng thì người đưa hối lộ không bị xử lý hình sự mà bị xử lý hành chính.

13 S là lái xe của UBND tỉnh đã nhận lời với K (Giám đốc công ty xây dựng), chuyển 1 khoản tiền chào hỏi (50 triệu đồng) đến ông Th là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để giúp K được gặp gỡ ông Th nhằm đề nghị được nhận thầu xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. K hứa sẽ biếu ông Th 30% tổng giá trị công trình thi công. Hành vi của ông Th và K sau đó bị phát hiện và truy tố về tội tham nhũng. Tuy nhiên, xin hỏi S có phải chịu trách nhiệm pháp luật không?

Trả lời

Căn cứ Điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của S bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới hối lộ.

Cụ thể như sau:

- Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Li ích phi vật chất.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

- Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

- Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định nêu trên.

Như vậy S có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

III. TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN NĂM 2016; NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/2018/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

1. Qua báo đài, bà A - được biết có Luật Tiếp cận thông tin. Bà A muốn hỏi tiếp cận thông tin là gì? Có phải công dân được tiếp cận và khai thác sử dụng tất cả mọi thông tin của cơ quan nhà nước không ?

Trả lời:

Theo quy định của khoản 1, 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016: Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra. Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.

Không phải mọi thông tin của cơ quan nhà nước, công dân đều được tiếp cận, khai thác sử dụng. Việc tiếp cận thông tin thực hiện theo Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Theo đó, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật này.

Cụ thể, thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm:

- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

* Thông tin được tiếp cận có điều kiện bao gồm:

- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

- Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định nêu trên.

2. Đề nghị cho biết nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 như thế nào?

Trả lời

Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể:

- Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

- Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.

- Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

- Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

3. Trong buổi Lễ chào cờ đầu tuần tại trường THCS X, nhà trường giới thiệu về một số quyền cơ bản của công dân như quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận... Một số em học sinh các em được tiếp cận thông tin gì và việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của các em như thế nào?

Trả lời:

Luật tiếp cận thông tin không quy định cụ thể các em học sinh được tiếp cận thông tin gì, về cơ bản các em là công dân Việt Nam được tiếp cận thông tin theo quy định tại Điều 5 Luật tiếp cận thông tin, trừ những thông tin không được tiếp cận và những thông tin được tiếp cận có điều kiện. Tuy nhiên để phù hợp với lứa tuổi các em thì các em nên quan tâm đến những thông tin liên quan trực tiếp đến mình như thông tin tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi, thi đấu thể thao dành cho lứa tuổi học sinh, thi phát minh nghiên cứu khoa học (trong nước và quốc tế, thi cấp trường, cấp quận huyện, cấp tỉnh thành phố...); các thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các em như thông tin về các quyền gắn với nhân thân, quyền có tài sản, quyền lao động phù hợp với lứa tuổi...

Do các em chưa đủ 18 tuổi nên việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của các em sẽ thông qua người đại diện theo pháp luật (là cha, mẹ của các em; hoặc là ông/bà, anh chị nếu cha mẹ của các em không còn hoặc không có khả năng làm người đại diện theo pháp luật cho các em. Ví dụ cha/mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của các em có thể là ông/bà hoặc anh chị hoặc người khác đáp ứng quy định pháp luật).

Khoản 3 Điều 4 Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác”.

4. Do thiếu may mắn nên khi sinh ra, M là người khuyết tật bị câm bẩm sinh. Tuy nhiên, em M rất ham học hỏi và tìm hiểu các kiến thức xã hội nên muốn biết nhà nước có biện pháp gì tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin?

Trả lời

Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 3 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin, bao gồm:

- Thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật.

- Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử.

- Cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu.

- Cơ quan cung cấp thông tin bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

- Lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận đầu mối và cán bộ, công chức đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan.

- Ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.

 

5. Đề nghị cho biết quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể:

- Công dân có quyền:

+ Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời;

+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

- Công dân có nghĩa vụ:

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;

+ Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp;

+ Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

6. Nhà nước có biện pháp nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 2 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin (sau đây gọi là Nghị định số 13/2018/NĐ-CP), bao gồm:

- Thực hiện nhiều hình thức cung cấp thông tin phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:

+ Thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có);

+ Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương;

+ Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc;

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn;

+ Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Căn cứ vào loại thông tin, đối tượng cần cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc các hình thức cung cấp thông tin công khai rộng rãi quy định nêu trên hoặc các hình thức khác phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của công dân.

- Giao trách nhiệm cho cơ quan cung cấp thông tin phải bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu cung cấp thông tin; tăng cường cung cấp thông tin và tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video và các phương tiện nghe, nhìn khác.

- Cơ quan nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng; nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật liên quan.

7. Xin hỏi, khi đề nghị cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, công dân có phải trả phí cung cấp thông tin không?

Trả lời :

Công dân được cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí, trừ trường hợp luật khác có quy định.

Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.

(Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin)

Như vậy, công dân không phải trả bất kỳ khoản phí nào khi yêu cầu cung cấp thông tin. Tuy nhiên nếu công dân yêu cầu sao, chụp, in tài liệu chứa thông tin thì phải trả chi phí cho sao, chụp, in, gửi thông tin.

8. Tôi muốn biết các thông tin về tình hình quy hoạch đất đai, các dự án chương trình đầu tư công, kế hoạch xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng. Xin hỏi, tôi có thể tiếp cận thông tin này bằng cách nào?

Trả lời:

Cách thức tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 10 Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau:

- Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Về cơ bản những thông tin ông/bà quan tâm đều được các cơ quan nhà nước công khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử, báo ngành, báo địa phương và niêm yết tại trụ sở cơ quan. Vì vậy ông/bà có thể trực tiếp xem trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn như Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Giao thông, Kế hoạch đầu tư. Trong trường hợp cần những thông tin chi tiết, cụ thể, ông/bà có thể đến những cơ quan đó để yêu cầu cung cấp thông tin.

9.  Luật Tiếp cận thông tin quy định nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời:

Các hành vi bị nghiêm cấm trong tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin, như sau:

- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.

- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực.

- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

10. Ông M cho rằng chỉ có cơ quan thuộc Chính phủ như UBND các cấp, các bộ, sở ngành mới có trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan mình. Còn các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân và hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp không có trách nhiệm cung cấp thông tin. Ông N khẳng định Luật Tiếp cận thông tin quy định tất cả các cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân. Xin hỏi, ý kiến ai đúng?

Trả lời:

Ý kiến của ông N là đúng.

Khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước như sau:

- Cơ quan nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin.

- Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chủ tịch nước tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Đoàn đại biểu Quốc hội tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tạo ra và thông tin do mình tạo ra;

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định đầu mối thực hiện cung cấp thông tin trong hệ thống tổ chức của mình.

11. Đề nghị cho biết cơ chế giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực hiện trên thực tế, Điều 13 Luật Tiếp cận thông tin quy định về giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin như sau:

- Quốc hội giám sát tối cao việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Hội đồng nhân dân giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân ở địa phương; định kỳ hằng năm, xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

12. Khu đất nông nghiệp của anh B thuộc diện giải tỏa mặt bằng để xây dựng bệnh viện đa khoa của huyện K. B đã được cơ quan có thẩm quyền gửi Giấy thông báo về nội dung này, mời tham gia họp và cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất. Tuy nhiên, B vẫn cho rằng mình chưa biết gì về việc thu hồi đất, B còn tung tin việc thu hồi đất để làm bệnh viện chỉ là cái cớ, thu hồi xong Ủy ban nhân dân sẽ bán lại cho tư nhân để lấy tiền chia nhau ... Xin hỏi, hành vi của B bị xử lý như thế nào theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin?

Trả lời:

B đã vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, vi phạm nghĩa vụ công dân trong việc tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin 2016. Cụ thể, B đã không tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; b) làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà B có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 15 Luật Tiếp cận thông tin (xử lý vi phạm trong tiếp cận thông tin). Cụ thể, B có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15 Luật Tiếp cận thông tin còn quy định tại khoản 2 và khoản 3 việc xử lý vi phạm đối với người cung cấp thông tin và người thực hiện quyền tiếp cận thông tin như sau:

- Người cung cấp thông tin có một trong các hành vi quy định tại Điều 11 của Luật này mà gây thiệt hại thì cơ quan nhà nước cung cấp thông tin phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Người thực hiện quyền tiếp cận thông tin sử dụng thông tin được cung cấp gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

13. Đề nghị cho biết các cơ quan nhà nước phải công khai những thông tin nào?

Trả lời:

Nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân, Luật tiếp cận thông tin quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Theo đó, các thông tin phải được công khai gồm:

- Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

- Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;

- Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;

- Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;

- Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;

- Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;

- Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,...

- Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;

- Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;

- Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

- Danh mục thông tin phải công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;

- Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;

- Thông tin về thuế, phí, lệ phí.

(khoản 1 Điều 17).

14. Do bị ốm nên bà B không đi tham dự được cuộc họp của Ủy ban nhân dân thông báo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án xây dựng đường liên tỉnh. Nghe nói, mảnh đất của bà B thuộc diện giải phóng mặt bằng. Xin hỏi Bà B muốn biết rõ hơn, cụ thể hơn các thông tin trên bằng cách thức nào?

Trả lời:

Bà B có thể tìm hiểu các thông tin quan tâm bằng cách tra cứu trên Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện hoặc thông qua một số phương tiện đại chúng. Hoặc sau khi bà khỏi ốm có thể đến trụ sở của Ủy ban nhân dân để xem thông tin tại Bảng niêm yết hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cung cấp thông tin những thông tin bà thấy chưa rõ ràng, chưa cụ thể.

Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin quy định về hình thức, thời điểm công khai thông tin:

- Các hình thức công khai thông tin bao gồm:

+ Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

+ Đăng Công báo;

+ Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác;

+ Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

- Trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai đối với thông tin cụ thể thì áp dụng quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức công khai thông tin thì căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai thông tin quy định nêu trên bảo đảm để công dân tiếp cận được thông tin.

- Đối với đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định nêu trên, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân.

- Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin.

15. Việc công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 20 Luật Tiếp cận thông tin quy định về công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng như sau:

- Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin theo quy định của pháp luật phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Việc đăng, phát thông tin trên báo chí thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí. Khi đăng, phát thông tin, cơ quan thông tin đại chúng phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin.

16. Cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp nào sau đây?

Trả lời:

Điều 28 Luật Tiếp cận thông tin quy định về từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây:

a) Thông tin quy định tại Điều 6 của Luật này; thông tin không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 7 của Luật này;

b) Thông tin được công khai theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này;

c) Thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp;

d) Thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng;

đ) Thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan;

e) Người yêu cầu cung cấp thông tin không thanh toán chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax.

2. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

17. Cơ quan A định kỳ tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí biết nhằm công khai hoạt động của cơ quan mình. Tuy nhiên vừa qua, do sơ suất kỹ thuật nên có thông tin không chính xác. Xin hỏi, việc xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý thông tin công khai không chính xác thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Tiếp cận thông tin.

- Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra và đã được công khai không chính xác thì cơ quan đó có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

- Trường hợp phát hiện thông tin do cơ quan khác tạo ra nhưng do mình công khai không chính xác thì cơ quan đã công khai thông tin có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

- Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra nhưng được cơ quan khác công khai không chính xác thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đã công khai thông tin kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

- Trường hợp công dân cho rằng thông tin công khai không chính xác thì kiến nghị với cơ quan đã công khai thông tin đó. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin và trả lời cho công dân; trường hợp xác định thông tin công khai không chính xác thì phải kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

- Thông tin công khai không chính xác bằng hình thức nào thì phải được đính chính bằng hình thức đó.

Như vậy, cơ quan A phải tổ chức họp báo để đính chính lại thông tin mình đã công khai không chính xác.

18. B không biết chữ. B được thừa kế 01 thửa đất, nay nhà nước có quy hoạch thu hồi khu đất này để xây dựng công trình phúc lợi. Đề nghị cho biết, B không biết chữ thì yêu cầu thông tin bằng cách nào?

Trả lời:

Anh B cần trực tiếp đến trụ sở Ủy ban nhân dân yêu cầu cung cấp thông tin. Do anh B không biết chữ thì có thể yêu cầu người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm điền các nội dung vào Phiếu giúp mình.

Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật Tiếp cận thông tin quy định “Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điện các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin”.

19. Đề nghị cho biết trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin gồm những bước nào?

Trả lời:

Điều 29 Luật Tiếp cận thông tin quy định về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin như sau:

- Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.

- Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao, bản chụp tài liệu hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.

Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.

20. Nhà nước có các biện pháp nào để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân?

Trả lời:

Điều 33 Luật Tiếp cận thông tin quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân bao gồm:

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ.

- Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng.

- Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin.

- Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.

- Củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử.

IV. Tìm hiểu một số quy định của Luật Tố cáo năm 2018; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo

  1. Đề nghị cho biết quyền tố cáo của công dân được pháp luật ghi nhận như thế nào?

Trả lời:

Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta ghi nhận qua các thời kỳ. Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Đến Hiến pháp năm 2013 Điều 30 nêu: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

Như vậy, quyền tố cáo là một trong những quyền cơ bản, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Theo đó, công dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhằm thể chế hóa quyền tố cáo của công dân, ngày 11/11/2011, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật tố cáo (Luật số 03/2011/QH13). Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật tố cáo (Luật số: 25/2018/QH14). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 thay thế Luật Tố cáo số 03/2011/QH13.

Luật tố cáo đã quy định đầy đủ nhất về quyền tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, hình thức tố cáo, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

2. Luật Tố cáo năm 2018 có những điểm mới cơ bản nào so với Luật Tố cáo năm 2011 là gì?

Trả lời:

Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm 9 Chương với 67 Điều.

So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 có bổ sung một số nội dung cơ bản như:

1- Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh: Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Luật Tố cáo năm 2018. Điều 25 quy định: Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo, hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh bằng đơn tố cáo. Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

2- Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo: Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây. 4 bước này bao gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011).

3- Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30). Trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn này là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

4- Cho phép rút tố cáo: Đây cũng là nội dung mới được đưa vào Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về nội dung này. Theo đó, Điều 33 Luật mới ghi rõ: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

5- Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo: Điều 47 của Luật Tố cáo năm 2018 định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Cụ thể: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

6- Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền... (Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2018).

3. Tố cáo là gì?

Trả lời:

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018)

4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là gì?

Trả lời:

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây: Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và cơ quan, tổ chức.

(Khoản 2 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018).

5. Nguyên tắc giải quyết tố cáo được Luật tố cáo quy định như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 4 Luật Tố cáo năm 2018, như sau:

- Phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo;

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm gì trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 5 Luật Tố cáo, như sau:

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

7. Đề nghị cho biết các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Điều 8 Luật Tố cáo quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, gồm:

- Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

- Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.

- Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.

- Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

- Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

- Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo.

- Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

- Bao che người bị tố cáo.

- Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

- Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.

- Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

- Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

8. Đề nghị cho biết, Luật tố cáo quy định quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Người giải quyết tố cáo có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 11 Luật Tố cáo năm 2018, như sau:

1. Người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được;

b) Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

c) Yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

d) Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;

đ) Kết luận nội dung tố cáo;

e) Xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;

b) Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

c) Không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo;

d) Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

đ) Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;

g) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

9. Đề nghị cho biết, tố cáo nặc danh, mạo danh có được tiếp nhận để xử lý không?

Trả lời:

Việc tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo thực hiện theo Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018, như sau:

- Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo (tố cáo mạo danh) hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định (không thực hiện bằng đơn hoặc không trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

- Trong trường hợp tố cáo nặc danh hoặc mạo danh mà thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

10. Đề nghị cho biết việc tố cáo thực hiện bằng hình thức nào?

Trả lời:

Theo Luật Tố cáo năm 2018, Điều 22 quy định: “Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Như vậy, có 02 hình thức tố cáo, đó là “tố cáo bằng đơn” và/hoặc “tố cáo trực tiếp” (không chấp nhận hình thức tố cáo qua e-mail hoặc qua fax hoặc hình thức khác). Việc quy định cụ thể 02 hình thức tố cáo nói trên là nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo khác để tố cáo tràn lan, vượt cấp, cố ý tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo; đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết và xử lý thông tin,...   

11. Đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về thời hạn giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:

1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

12. Đề nghị cho biết quy định của pháp luật về việc giải quyết tố cáo quá thời hạn quy định?

Trả lời:

Việc giải quyết tố cáo quá thời hạn quy định được thực hiện theo quy định tại tại Điều 38 của Luật Tố cáo năm 2018; cụ thể như sau:

1. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 của Luật này mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều này; tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định.

5. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.

13. Đề nghị cho biết việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo phải tuân theo nguyên tắc nào?

Trả lời:

Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 như sau:

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:

a) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

b) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

c) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương hoặc giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

d) Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

4. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

5. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.

6. Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

14. Đề nghị cho biết thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước?

Trả lời:

Điều 13 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trực tiếp.

3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trực tiếp.

5. Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

6. Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

7. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

8. Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

15. Đề nghị cho biết thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân?

Trả lời:

Điều 14 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân như sau:

1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

16. Đề nghị cho biết thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Viện kiểm sát nhân dân?

Trả lời:

Điều 15 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Viện kiểm sát nhân dân như sau:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

4. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

17. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 17 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Hội đồng nhân dân khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, trừ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp mình.

Cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

3. Người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp và của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan khác của Nhà nước do người có thẩm quyền bổ nhiệm người đó giải quyết.

18. Đề nghị cho biết thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 18 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình quản lý trực tiếp.

2. Người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đơn vị sự nghiệp công lập do mình quản lý trực tiếp.

19. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 19 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước như sau:

1. Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực thuộc hoặc người khác do mình bổ nhiệm;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.

2. Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, kiểm soát viên do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp trong doanh nghiệp nhà nước.

20. Bà A được chị em phụ nữ trong thôn bầu làm Tổ trưởng Câu lạc bộ văn nghệ của phụ nữ thôn X xã Y. Trong quá trình phụ trách Câu lạc bộ, bà A có những biểu hiện cơ hội, làm sai lệch các khoản đóng góp quỹ Hội, sử dụng sai mục đích các khoản được tài trợ cho Câu lạc bộ. Xin hỏi cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi của bà A?

Trả lời:

Câu lạc bộ văn nghệ  mà bà A làm Tổ trưởng là tổ chức tự quản của nhân dân ở thôn, xóm; bà A do chị em phụ nữ trong thôn bầu là Tổ trưởng nên bà A không phải cán bộ, công chức nhà nước. Do đó, khi bà A có những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật thì thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Y.

Điều 21 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức như sau:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Như vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Y là tổ chức trực tiếp quản lý Câu lạc bộ văn nghệ của phụ nữ thôn X xã Y và bà A nên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Y có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm bà A (là thành viên của Hội phụ nữ thôn).

21. Đề nghị cho biết quyền và nghĩa vụ của người tố cáo?

Trả lời:

Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018;

b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

đ) Rút tố cáo;

e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật Tố cáo (thông tin về họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo);

b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

d) Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

đ) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

22. Xin hỏi, người bị tố cáo có quyền gì không?

Trả lời:

Để bảo đảm quyền công dân, Điều 10 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo. Theo đó, người bị tố cáo có các quyền sau đây:

- Được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo;

- Được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

- Được nhận kết luận nội dung tố cáo;

- Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật;

- Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật;

- Khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

23. Bố tôi đứng tên tố cáo một số cán bộ, công chức xã lập danh sách khống, rút hàng trăm triệu đồng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng công trình đường liên tỉnh. Bố tôi và gia đình thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc điện thoại đe dọa, yêu cầu bố tôi phải rút đơn tố cáo. Xin hỏi nhà nước có chính sách gì để bảo vệ những người tố cáo như bố tôi không? Gia đình tôi phải làm gì để đảm đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản?

Trả lời:

Để bảo vệ người tố cáo tránh bị đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản, danh dự, nhà nước có chính bảo vệ người tố cáo. Cụ thể Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 quy định bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

 Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Như vậy, gia đình ông/bà cần báo cho cơ quan chức năng (như công an, thanh tra, Ủy ban nhân dân xã…) biết về việc bị đe dọa để các cơ quan này có biện pháp can thiệp kịp thời, có biện pháp bảo vệ các thành viên trong gia đình ông/bà.

24. Đề nghị cho biết cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo?

Trả lời:

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018, gồm:

- Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

- Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

- Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

- Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.

- Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (Điều 49).

25. Anh H nhận được một tin nhắn từ số máy lạ với nội dung “Đừng có xen vào chuyện của người khác. Bảo con trai mày đi đường cẩn thận”. Cho rằng tin nhắn này có mục đích đe dọa, trả thù anh do đã tố cáo công ty T có hành vi xả thải chất độc hại ra môi trường. Xin hỏi, anh H phải làm gì để được cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ?

Trả lời:

Theo Điều 50 Luật tố cáo, khi có căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc người thân bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, thì anh H có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.

- Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

+ Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;

+ Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

- Trường hợp khẩn cấp, anh H có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc gọi điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

26. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo?

Trả lời:

Điều 53 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo như sau:

1. Cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ; chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

b) Lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, giải quyết những vướng mắc phát sinh; gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện kịp thời, đầy đủ yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp không thực hiện được yêu cầu, đề nghị đó thì phải báo cáo hoặc thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

b) Báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

27. Tôi mới phát hiện ra một số sai phạm của cán bộ huyện trong quản lý đất đai và dự định sẽ viết đơn tố cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền nhưng vợ, con tôi đều can ngăn vì lo sợ họ sẽ biết người tố cáo để trả thù. Vậy xin hỏi pháp luật có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018 quy định biện pháp bảo vệ bí mật thông tin như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:

1. Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;

2. Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;

3. Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

4. Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;

5. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

28. Biết ông T có hành vi nhũng nhiều, hách dịch, chỉ tiếp các doanh nghiệp có “quà”. Rất bức xúc trước biểu hiện suy thoái này, nhưng anh D không dám tố cáo vì sợ bị đuổi việc. Đề nghị cho biết pháp luật có quy định gì bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo như anh D không?

Trả lời:

Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018 quy định biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm như sau:

1. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

a) Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ;

b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

c) Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;

d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

2. Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động bao gồm:

a) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

29. Sau khi nộp đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của một doanh nghiệp, anh D thường nhận được những cuộc gọi đe dọa, yêu cầu rút đơn tố cáo, thi thoảng anh còn bị chặn đường dọa đánh hoặc xe đâm... Trường hợp này, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, anh C có thể được áp dụng những biện pháp bảo vệ gì?

Trả lời:

Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ người tố cáo hoặc người thân của họ bị xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, người được bảo vệ sẽ được áp dụng các biện pháp sau (Điều 58 Luật Tố cáo năm 2018):

- Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.

- Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.

- Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

30. Chị M là công chức của phòng N. Phát hiện hành vi tham nhũng của Trưởng phòng trong quá trình thực thi công vụ, chị đã làm đơn tố cáo với cấp trên. Tuy nhiên, sau đó, Trưởng phòng thường xuyên gây khó khăn, tạo sức ép. Áp lực trong công việc đối với chị M. Xin hỏi, chị M có thể được áp dụng biện pháp bảo vệ nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Tố cáo về các biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, thì chị M có thể kiến nghị lãnh đạo cấp trên xem xét bố trí công tác để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với Trưởng phòng vì có hành vi trù dập làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị.

31. Ông A là cán bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo đơn tố cáo của anh K đối với F. Do F là em của bạn thân ông A nên ông A cố tình lơ là không giải quyết tố cáo. Xin hỏi, việc xử lý hành vi vi phạm này của ông A như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo (như ông A) được quy định tại Điều 21 Nghị định 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Theo đó:

- Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật và quy định khác có liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, ông A có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

32. Vậy xin hỏi, ông A trong trường hợp nêu trên sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời:

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, ông A sẽ bị áp dụng xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức kỷ luật nêu tại Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo (Nghị định số 31/2019/NĐ-CP). Cụ thể như sau:

1. Khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

2. Cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;

b) Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

3. Cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

b) Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

c) Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương  hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

33. Đề nghị cho biết, cán bộ, công chức, viên chức tố cáo sai sự thật, lôi kéo, kích động người khác tố cáo sai sự thật hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức tố cáo sai sự thật, lôi kéo, kích động người khác tố cáo sai sự thật hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP:

Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

V. TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT KHIẾU NẠI NĂM 2011; NGHỊ ĐỊNH SỐ 124/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH CỦA LUẬT KHIẾU NẠI

  1. Xin hỏi, khiếu nại là gì? Khiếu nại và tố cáo khác nhau như thế nào?

Trả lời:

Khiếu nạilà việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại và tố cáo khác nhau ở những điểm cơ bản sau:

- Chủ thể thực hiện:

+ Chủ thể thực hiện khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức

+ Chủ thể thực hiện tố cáo là công dân

- Đối tượng:

+ Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

+ Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

- Mục đích

+ Mục đích của khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

+ Mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, khiếu nại và tố cáo còn khác nhau ở trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về thời hiệu, thời hạn giải quyết, việc rút đơn…

  1. Đề nghị cho biết hành vi nào bị nghiêm cấm trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại?

Trả lời:

Điều 6 Luật Khiếu nại 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

  • Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
  • Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
  • Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.
  • Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.
  • Cố tình khiếu nại sai sự thật;
  • Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
  • Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
  • Vi phạm quy chế tiếp công dân;
  • Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
  1. Trình tự khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được Luật Khiếu nại 2011 quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định về trình tự khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính như sau:

  •  Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

  •  Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. 

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

  •  Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

+ Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

  1. Đề nghị cho biết, thời hiệu giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại 2011, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

  1. Đề nghị cho biết khiếu nại nào không được thụ lý giải quyết?

Trả lời:

Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 quy định về các khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính không được thụ lý giải quyết bao gồm:

  • Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
  • Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
  • Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
  • Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
  • Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
  • Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
  • Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  • Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
  • Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
  1. Đề nghị cho biết quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực ngay không? Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có được tiếp tục khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính không?

Trả lời:

Quyết định giải quyết khiếu nại không có hiệu lực ngay mà trong thời hạn 30 ngày nếu người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần hai (thời hạn này là 45 ngày đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn).

Cụ thể Điều 33 Luật khiếu nại năm 2011 quy định như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

- Hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền được tiếp tục khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

  1. Xin hỏi, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu trong thời hạn nào?

Trả lời:

Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính như sau:

  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  • Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  1. Việc tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 30 Luật Khiếu nại 2011 quy định về việc tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính như sau:

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
  • Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
  • Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
  • Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
  • Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
  1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính bao gồm những giấy tờ, tài liệu nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 Luật Khiếu nại 2011,hồ sơ giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính bao gồm:

  • Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
  • Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
  • Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
  • Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
  • Quyết định giải quyết khiếu nại;
  • Các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu giữ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án thì hồ sơ đó phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu

  1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là bao lâu?

Trả lời:

Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính như sau:

  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  • Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  1. Xin hỏi, người khiếu nại có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại không?

Trả lời:

Có.

Điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại quy định về đại diện thực hiện việc khiếu nại như sau:

  • Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
  • Việc ủy quyền ở quy định trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
  • Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong nhưng người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
  1. Đề nghị cho biết khi nhiều người cùng khiếu nại về một nột dung thì việc trình bày nội dung khiếu nại sẽ thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 6 Nghị định 124/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Khiếu nại quy định về việc cử đại diện trình bày khi có nhiều người cùng khiếu nại về một nột dung như sau:

  • Khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.
  • Việc cử đại diện được thực hiện như sau:

+  Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện;

+ Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người đại diện.

  1. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc trưng cầu giám định khi xác minh nội dung khiếu nại?

Trả lời:

Điều 24 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định về việc trưng cầu giám định khi xác minh nội dung khiếu nại như sau:

  • Người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại.
  • Người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có thể đề nghị người giải quyết khiếu nại trưng cầu giám định. Khi xét thấy đề nghị của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có cơ sở thì người giải quyết khiếu nại quyết định trưng cầu giám định.

Quyết định trưng cầu giám định như trên được thực hiện theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP;

  • Việc trưng cầu giám định thực hiện bàng văn bản trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định, thông tin, tài liệu cần giám định, nội dung yêu cầu giám định, thời hạn có kết luận giám định.

Văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức giám định thực hiện theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.

  1. Xin hỏi, quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có giá trị thi hành ngay không? Cán bộ, công chức không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định kỷ luật buộc thôi việc có quyền khiếu nại tiếp không?

Trả lời:

Điều 57 Luật Khiếu nại 2011 quy định về hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức như sau:

+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai;

+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành.

Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

Trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Căn cứ quy định trên, thì quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định kỷ luật cán bộ, công chức chưa có giá trị thi hành ngay mà có thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành để người khiếu nại suy nghĩ, xem xét có nên khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Hết thời hạn này mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án hành chính thì quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

  1. Khi tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, việc làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 20 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định về làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại khi tiến hành xác minh nội dung khiếu nại như sau:

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.
  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
  • Nội dung làm việc quy định trên được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
  1. Việc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai được quy định tại Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.

+  Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.

+  Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).

Đối với các trường hợp khác, người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp thời báo cáo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết khiếu nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

  • Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
  • Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người khiếu nại không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, nhũng vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản đối thoại được thực hiện theo Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.
  1. Sau khi xác minh khiếu nại cần có báo cáo kết quả xác minh khiếu nại. Vậy việc báo cáo kết quả xác minh khiếu nại được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc báo cáo kết quả xác minh khiếu nại được quy định tại Điều 27 Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:

  • Ngưc báo cáo kết quả xvụ xác minh phải báo cáo trung thực, khách quan kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại.
  • Báo cáo cáo kết quả xác minh phải báo cáo trung thực, khách quan kết quả báo cáo kết quả xác minh  (báo cáo kết quả xác minh phải báo cáo trung thực, khách quan kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại. không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham  nại, quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, căn cứ để khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại trước đó (nếu có); kết quả xác minh đối với từng nội dung được giao xác minh; kết luận nội dung khiếu nại được giao xác minh là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; kiến nghị giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; kiến nghị về việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Báo cáo kết quả xác minh thực hiện theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.

  1. Ông Nguyễn Văn A không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND huyện X (do chủ tịch UBND huyện X ký) vì cho rằng nội dung bồi thường không thỏa đáng. Ông A có ý định khiếu nại quyết định nêu trên. Hỏi tổ chức/cá nhân nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông A?

Trả lời:

Điều 18 Luật Khiếu nại 2011 quy định:

Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

  1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
  2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.”

Như vậy, trong trường hợp trên, Chủ tịch UBND huyện X có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại của ông Nguyễn Văn A về quyết định thu hồi đất của UBND huyện X.

  1. Chị B làm đơn khiếu nại về việc chuyên viên của phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị. Đơn khiếu nại đã được Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y thụ lý giải quyết và ra quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu). Chị B đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Hỏi quyết định giải quyết khiếu nại trên của Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y có hiệu lực pháp luật từ thời điểm nào?

Trả lời:

Điều 44 Luật Khiếu nại 2011 quy định như sau:

“Điều 44. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

4. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.”

Trong trường hợp trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Khiếu nại 2011, quyết định giải quyết khiếu nại  của Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y  có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà chị Nguyễn Thị B – người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

  1. Anh T là chuyên viên phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh X nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc do không hoàn thành nhiệm vụ. Anh T không đồng ý và muốn khiếu nại quyết định trên. Hỏi thời hiệu anh T có thể  thực hiện việc khiếu nại quyết định kỷ luật trên là bao lâu?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 48 Luật Khiếu nại 2011 thì:

“Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.

Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”

Như vậy trong tình huống trên, thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 15 ngày kể từ ngày anh T nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày anh T nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp anh T không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

  1. Chị X là công chức Văn hóa – xã hội xã N bị kỷ luật với hình thức hạ bậc lương. Chị X không đồng ý và đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND . Hỏi thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại của chị X theo quy định của pháp luật là bao lâu?

Trả lời:

Điều 50 Luật Khiếu nại 2011 quy định như sau:

“Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Như vậy trong tình huống trên, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chủ tịch UBND phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho chị X biết. Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

  1. Anh T nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện đối với đơn khiếu nại của anh về quyết định thu hồi đất. Anh T không đồng ý với quyết định này và muốn khiếu nại lần hai. Hỏi anh T cần khiếu nại lần hai đến cơ quan, tổ chức nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 21 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh như sau:

“Điều 21. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

[...]

2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.”

Như vậy trong tình huống trên, đơn khiếu nại của anh T đã được Chủ tịch UBND huyện giải quyết khiếu nại lần đầu. Anh T không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và muốn khiếu nại lần hai. Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật Khiếu nại 2011 thì Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Do đó, anh T cần gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND tỉnh để được giải quyết.

  1. Bà A có đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh X do không đồng ý với Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động Trung tâm ngoại ngữ do bà làm Giám đốc. Tuy nhiên sau khi được giải thích, bà A đã hiểu quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là có căn cứ. Do đó, bà A muốn rút đơn khiếu nại. Hỏi bà A có thể rút khiếu nại vào thời điểm nào và cần làm gì để rút đơn khiếu nại?

Trả lời:

Điều 10 Luật Khiếu nại 2011 quy định về rút khiếu nại như sau:

“Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.”

Như vậy theo quy định trên, trong trường hợp này nếu bà A muốn rút khiếu nại, thì có thể rút khiếu nại tại bất kỳ thời điểm nào. Để rút khiếu nại, bà A phải làm đơn xin rút khiếu nại. Đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh X là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

  1. Ông C khiếu nại lần hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục trưởng cục Thuế tỉnh A. Khiếu nại lần hai của ông C đã được người có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, ông C vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại. Hỏi đơn khiếu nại của ông C có tiếp tục được thụ lý không?

Trả lời:

Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 quy định về các khiếu nại không được thụ lý giải quyết, trong đó khoản 7 Điều 11 quy định như sau:

“Điều 11. Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết

Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

[...]

7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

[...]”

Trong trường hợp này, vụ việc khiếu nại của ông C đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Do đó, nếu ông C tiếp tục gửi đơn khiếu nại thì khiếu nại này thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết. Trong trường hợp này ông c vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi khiện vụ án hành chính (tức là khởi kiện Cục thuế tỉnh A đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).

  1. Không đồng ý với Quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A, một số hộ dân thuộc xã B đã đến trụ sở Ủy ban nhân dân huyện A để khiếu nại. Tại đây, cán bộ tiếp dân yêu cầu mọi người cử một người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và việc cử người đại diện phải được lập văn bản. Xin hỏi, yêu cầu của cán bộ tiếp dân có đúng không?

Trả lời:

Yêu cầu của cán bộ tiếp dân là đúng quy định pháp luật.

Điều 6 Nghị định 124/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Khiếu nại quy định về việc cử đại diện trình bày khi có nhiều người cùng khiếu nại về một nột dung. Theo đó, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.

Việc cử người đại diện phải lập thành văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 124/2020/NĐ-CP như sau:

2. Văn bản cử người đại diện khiếu nại phải có những nội dung sau:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Họ, tên, địa chỉ của đại diện người khiếu nại;

c) Nội dung, phạm vi được đại diện;

d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của những người khiếu nại;

đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có)”.

Do dó trong trường hợp trên, các hộ dân đã không đồng ý quyết định giải phóng mặt bằng của Chủ tịch UBND huyện, nội dung khiếu nại của các hộ dân là giống nhau và các hộ dân đã đến trực tiếp trụ sở UBND, do đó cần lập văn bản cử người đại diện trình bày khiếu nại. Văn bản cử người đại diện phải có các nội dung nêu trên.

26. Cục trưởng Cục thuế tỉnh X nhận được đơn khiếu nại của đại diện Công ty cổ phần ABC về việc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cho rằng việc xử phạt là không có căn cứ. Xin hỏi, Cục trưởng Cục thuế tỉnh X có thể xác minh nội dung khiếu nại bằng các hình thức nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 29 Luật Khiếu nại 2011 quy định về việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện thông qua các hình thức như sau:

“2. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;

b) Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp;

c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

Trong trường hợp trên, để xác minh nội dung khiếu nại của Công ty cổ phần ABC về việc cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế là không có căn cứ, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh X phải xác minh thông qua các hình thức: Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại; Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp; hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

27. Không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật, anh A – công chức của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh X đã gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở. Sau khi giải quyết, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh X chấp thuận đơn khiếu nại của anh A. Anh A đề nghị phải công khai quyết định giải quyết khiếu nại. Xin hỏi việc công khai này thực hiện bằng hình thức nào?

Trả lời:

Công khai quyết định giải quyết khiếu nại là trách nhiệm của cơ quan/người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Khoản 3 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại như sau:

“3. Công khai quyết định giải quyết khiếu nại:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau:

a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác

Thành phần tham dự gồm: người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện thực hiện việc khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước 03 ngày.

b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại. Thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc công khai. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Số lần thông báo trên báo nói ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo in ít nhất 02 số phát hành liên tục. Thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày liên tục.”

Như vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh X phải thực hiện công khai bằng một trong các hình thức nêu trên.

28. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của một số hộ dân ở xã X, huyện Y về việc không đồng ý với Quyết định thu hồi đất của UBND huyện, chủ tịch UBND huyện đã giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại cho Thanh tra huyện Y. Trong quá trình xác minh, nhóm công chức của Thanh tra huyện Y đã có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho các hộ dân là người khiếu nại. Hỏi hành vi trên của nhóm công chức của Thanh tra huyện Y có thể bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Hành vi sách nhiễu, gây phiền hà trong quá trình xác minh nội dung tố cáo bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Đim a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

  1. Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

[...]”

29. Bà N có đơn khiếu nại Quyết định của UBND huyện về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện, bà N không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần hai lên Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, bà N cũng không đồng ý. Hỏi trong trường hợp này, bà N có thể khởi kiện ra tòa án không?

Trả lời:

Điều 42 Luật Khiếu nại 2011 quy định tại về việc khởi kiện vụ án hành chính như sau:

“Điều 42. Khởi kiện vụ án hành chính

Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 37 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Căn cứ quy định trên, bà N không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND tỉnh. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Bà N có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

        30. Đề nghị cho biết, việc thụ lý giải quyết khiếu nại được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 27 Luật Khiếu nại 2011 quy định về việc thụ lý giải quyết khiếu nại như sau: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.”

31. Đề nghị cho biết, báo cáo xác minh nội dung khiếu nại cần có những nội dung gì?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 29 Luật Khiếu nại 2011 quy định báo cáo kết quả xác minh gồm các nội dung sau đây:

a) Đối tượng xác minh;

b) Thời gian tiến hành xác minh;

c) Người tiến hành xác minh;

d) Nội dung xác minh;

đ) Kết quả xác minh;

e) Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại.”

32. T là sinh viên của Trường Đại học H (trường công lập). Do nghỉ học vượt quá thời gian quy định nên Hiệu trưởng Trường Đại học H đã ra quyết định buộc thôi học đối với T. T không đồng ý với quyết định này vì cho rằng nhà trường chưa xem xét đầy đủ về lý do nghỉ học của mình và làm đơn khiếu nại. Hỏi ai là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của anh T?

Trả lời:

Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 14. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập

1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

3. Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.”

Trong trường hợp này, quyết định buộc thôi học đối với T do Hiệu trưởng trường Đại học H ban hành. Trường Đại học HN là đơn vị sự nghiệp công lập, do đó theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì Hiệu trưởng trường Đại học H là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của T.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Hiệu trưởng trường Đại học HN, anh M có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo – là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của anh M.

  1. Anh V khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm Luật giao thông đường bộ của Trưởng Công an huyện X vì cho rằng lỗi trên quyết định xử phạt không đúng với lỗi ghi trên biên bản lúc vi phạm. Trưởng Công an huyện X đã nhận được đơn khiếu nại của anh X nhưng cố ý không thụ lý giải quyết. Hỏi việc Trưởng Công an huyện X cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại của anh M bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điểm a khoản 2 Điều 41 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 41. Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền”.

Như vậy trong tình huống trên, Trưởng Công an huyện X là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của anh M nhưng cố ý không thụ lý giải quyết (khiếu nại của anh M không thuộc trường hợp không được thụ lý), do đó căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 41 Nghị định 124/2020/NĐ-CP, Trưởng Công an huyện X có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.

VI. TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NĂM 2008, LUẬT VIÊN CHỨC NĂM 2010, LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC NĂM 2019 VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH; NGHỊ ĐỊNH SỐ 130/2020/NĐ-CP NGÀY 30/10/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

1. Ðề nghị cho biết, cán bộ, công chức có nghĩa vụ gì trong quá trình thực thi công vụ?

Trả lời:

Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ được quy định tại Ðiều 9 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), cụ thể như sau:

- Thứ nhất, thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Thứ hai, có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

- Thứ ba, chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thứ tư, bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.

- Thứ năm, chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

- Thứ sáu, các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Xin hỏi, theo quy định của Luật cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Tại Điều 10 Luật cán bộ, công chức quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật cán bộ, công chức, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức;

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;

5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Để biết thêm thông tin chi tiết, ông/bà có thể tham khảo thêm Luật cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2019.

3. Xin cho biết, từ chức, miễn nhiệm, cách chức và bãi nhiệm khác nhau như thế nào?

Trả lời:

 

Miễn nhiệm

Bãi nhiệm

Từ chức

Cách chức

Khái niệm

Là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ

việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Đối tượng

Cán bộ, công chức

Cán bộ

Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

Bản chất

Là hình thức giải quyết cho thôi giữ chức vụ, chức danh

Là hình thức kỷ luật

Điều kiện

Đối với cán bộ, việc miễn nhiệm được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Không đủ sức khỏe;

- Không đủ năng lực, uy tín;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ;

- Vì lý do khác 

Việc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
- Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
- Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức;
- Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
- Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.

 - Có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất đạo đức,

- Không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.

Cán bộ, công chức có thể từ chức trong các trường hợp sau đây:

- Không đủ sức khỏe;

- Không đủ năng lực, uy tín;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ;

- Vì lý do khác.

- Vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

- Không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trách nhiệm được giao.

- Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

- Việc cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

 

Hậu quả pháp lý

- Được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

- Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo

- Nghỉ hưu,

- Thôi việc.

Công chức lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

 Được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức:

-  Được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo

- Nghỉ hưu,

- Thôi việc.

Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

- Thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

- Không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực (Hiện hành 12 tháng)

- Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

- Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc. (Hiện hành có thêm quy định không được giải quyết nghỉ hưu)

4. Xin cho biết, pháp luật về cán bộ, công chức quy định như thế nào về biệt phái công chức?

Trả lời:

Biệt phái công chức là việc cơ quan, tổ chức cử công chức thuộc quyền quản lí đến làm việc có thời hạn ở cơ quan, tổ chức khác theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ.

Điều 53 Luật Cán bộ, công chức quy định về biệt phái công chức như sau:

- Thứ nhất, về thẩm quyền: Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái công chức đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

- Thứ hai, vê thời hạn biệt phái:  Không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

- Thứ ba, quyền lợi và trách nhiệm của công chức biệt phái:

+ Công chức biệt phái phải chấp hành phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

+ Công chức biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái.

- Thứ tư, các trường hợp không thực hiện biệt phái: Công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

5. Ông H được biệt phái từ cơ quan Z sang cơ quan X trong thời gian 02 năm. Trong thời gian biệt phái tại cơ quan X, ông H vi phạm kỷ luật. Vậy xin hỏi, trường hợp này cơ quan nào có quyền xử lý ông H?

Trả lời:

Thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức được quy định tại Điều 24 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức. Cụ thể như sau:

1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.

4. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan cũ nơi công chức đã công tác tiến hành xử lý kỷ luật. Hồ sơ, quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi về cơ quan nơi công chức đang công tác.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đã giải thể, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để cơ quan nơi công chức đang công tác thực hiện việc xử lý kỷ luật.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức phải được gửi về cơ quan quản lý công chức.

5. Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

 Như vậy, đối chiếu với trường hợp của ông H, người đứng đầu cơ quan X, nơi công chức H được biệt phái đến công tác sẽ tiến hành xử lý kỷ luật. Hình thức kỷ luật cụ thể cơ quan X sẽ được thống nhất với cơ quan cử biệt phái (cơ quan Z) trước khi ra quyết định.

6. Trong thời gian công tác tại Sở X của tỉnh A, công chức B thường xuyên có hành vi vi phạm kỷ luật của đơn vị. Xin hỏi, B sẽ phải chịu hình thức kỷ luật gì?

Trả lời:

Theo Khoản 15 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức, thì cán bộ, công chức vi phạm quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị áp dụng các hình thức kỷ luật khác nhau. Có 06 hình thức kỷ luật như sau:

- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Hạ bậc lương;

+ Buộc thôi việc.

- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Giáng chức;

+ Cách chức;

+ Buộc thôi việc.

Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà công chức B có thể sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên.

7. Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh X tuyên phạt bà T 05 năm tù giam về tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015. Bà T là công chức thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện A. Vậy, xin hỏi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A, có phải chịu trách nhiệm liên quan không?

Trả lời:

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng tại Phòng. Điều 10 Luật cán bộ, công hức sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu như sau: Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật cán bộ, công chức, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức;

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;

5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

8. Xin cho biết, pháp luật về cán bộ, công chức quy định việc đánh giá công chức bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.

Theo quy định tại Điều 56 Luật cán bộ, công chức thì nội dung đánh giá công chức gồm:

a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

e) Thái độ phục vụ nhân dân.

 Ngoài những nội dung quy định nêu trên, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:

a) Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;

b) Năng lực lãnh đạo, quản lý;

c) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.

Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái.

9. Ông P nguyên là Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện B đã nghỉ hưu bị tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình công tác. Xin hỏi, nếu kết quả xác minh, điều tra kết luận nội dung đơn thư tố giác là có căn cứ, đúng sự thật thì ông P có bị xử lý kỷ luật không?

Trả lời:

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách (sau đây gọi chung là cán bộ);

b) Công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là công chức);

c) Viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức;

d) Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (sau đây gọi chung là người đã nghỉ việc, nghỉ hưu)

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu kết quả xác minh, điều tra kết luận nội dung đơn thư tố giác là có căn cứ, đúng sự thật thì ông A mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và tùy tính chất, mức độ vi phạm, A có thể sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cụ thể.

10. Đề nghị cho biết, Luật cán bộ công chức quy định trường hợp nào thì cán bộ, công chức, viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức được được thực hiện trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ.

Về mức độ của hành vi vi phạm, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP phân thành 04 mức độ, gồm:

Thứ nhất, vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Thứ hai, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Thứ ba, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Thứ tư, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

11. Chị C là giáo viên mầm non vừa bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách do vi phạm quy định nhà giáo. Tiếp ngay sau đó, chị C lại có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị. Hỏi, chị T sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nào?

Trả lời:

Do C đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật lại tiếp tục vi phạm nên việc xử lý kỷ luật lần này đối với C sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.

Khoản 3 Điều 2 Nghị định 112/2020 quy định: Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

a) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

b) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì chị C sẽ bị áp dụng hình thức khiển kỷ luật cảnh cáo.

12. Chị B đang mang thai được 05 tháng tuổi, chị B quên không tổ chức thực hiện 01 nhiệm vụ được giao dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả công tác của cơ quan. Xin hỏi chị B có bị xử lý kỷ luật không?

Trả lời:

Chị B có bị xử lý kỷ luật, tuy nhiên khi chị B đang mang thai và đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ chưa xem xét xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật sẽ thực hiện sau khi con của chị B đủ 12 tháng tuổi.

Cụ thể, Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp tạm thời chưa xem xét, xử lý kỷ luật, gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

3. Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

13. Xin hỏi, cán bộ, công chức, viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Điều 4 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định, cán bộ, công chức, viên chức thuộc 04 trường hợp sau đây được miễn trách nhiệm kỷ luật:

- Một là, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.

- Hai là, phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức. Cụ thể, khoản 5 Điều 9 của Luật quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

- Ba là, được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

- Bốn là, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

14. Ông T có hành vi vi phạm đạo đức, lối sống và đang bị xem xét xử lý kỷ luật về hành vi này. Tuy nhiên, chỉ còn 3 tháng nữa ông T đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Xin hỏi, trường hợp của ông T có được thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí hay không?

Trả lời:

Điều 38 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

Đối chiều với quy định nêu trên của pháp luật, trường hợp của ông T vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

15. Đề nghị cho biết pháp luật quy định xử lý đối với các trường hợp bị xử lý kỷ luật oan, sai như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý đối với các trường hợp bị xử lý kỷ luật oan, sai  được thực hiện theo được quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 39 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.  Cụ thể như sau:

1. Quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là bị oan, sai thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác. Trường hợp đã ban hành quyết định kỷ luật theo kết luận của bản án phúc thẩm và không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền bị oan, sai nhưng sau đó có thay đổi về hình phạt ở bản án mới theo quy định của pháp luật về tố tụng thì việc xử lý quyết định kỷ luật đã ban hành do cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định.

2. Công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, sau đó được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là oan, sai mà vị trí công tác cũ đã bố trí người khác thay thế thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác, chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp.

16. Đề nghị cho biết, việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được dựa trên nguyên tắc nào?

Trả lời:

Vấn đề ông/bà hỏi được quy định tại Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, gồm 08 nguyên tắc như sau:

- Thứ nhất, khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

- Thứ hai, mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

- Thứ ba, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

a) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

b) Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

- Thứ tư, khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

- Thứ năm, không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

-  Thứ sáu, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

- Thứ bảy, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

- Thứ tám, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

17. Đề nghị cho biết, cán bộ, công chức bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách trong trường hợp nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Thứ nhất, vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Thứ hai, lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

- Thứ ba, không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Thứ tư, vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Thứ năm, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

- Thứ sáu, vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

- Thứ bảy, vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Thứ tám, vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

- Thứ chín, vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

18. Tôi hiện là Phó trưởng phòng văn hóa thông tin của Ủy ban nhân dân huyện A, tỉnh B. Vừa qua, con trai tôi (12 tuổi) được ông bà nội cháu tặng cho số tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng. Vậy xin hỏi, tôi có phải kê khai tài sản này khi kê khai tài sản, thu nhập của mình không?

Trả lời:

Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Theo hướng dẫn tại mục B Hướng dẫn kê khai của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 thì tài sản phải kê khai là tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người kê khai, của vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi (nếu có) chưa thành niên theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi kê khai tài sản, thu nhập, anh/ chị cũng phải kê khai 200 triệu đồng mà con trai anh/chị được ông bà nội cháu tặng cho.

19. Tôi có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất với giá 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid nên giá đất giảm mạnh. Xin hỏi, thời gian tới tôi phải kê khai tài sản, thu nhập để hoàn tất hồ sơ quy hoạch phó phòng thì phải kê khai theo giá trị của thửa đất ở thời điểm nào?

Trả lời:

Theo quy định tại mục B Hướng dẫn kê khai của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định hướng dẫn, giá trị là giá gốc tính bằng tiền Việt Nam, cụ thể: Trường hợp tài sản có được do mua, chuyển nhượng thì ghi số tiền thực tế phải trả khi mua hoặc nhận chuyển nhượng cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có); trường hợp tài sản có được do tự xây dựng, chế tạo, tôn tạo thì ghi tổng chi phí đã chi trả để hoàn thành việc xây dựng, chế tạo, tôn tạo cộng với phí, lệ phí (nếu có) tại thời điểm hình thành tài sản; trường hợp tài sản được cho, tặng, thừa kế thì ghi theo giá thị trường tại thời điểm được cho, tặng, thừa kế cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có) và ghi “giá trị ước tính”; trường hợp không thể ước tính giá trị tài sản vì các lý do như tài sản sử dụng đã quá lâu hoặc không có giao dịch đối với tài sản tương tự thì ghi “không xác định được giá trị” và ghi rõ lý do.

Đối chiều với quy định pháp luật nêu trên, giá trị mảnh đất mà ông/bà cần kê khai được tính là 2,3 tỷ đồng (số tiền thực tế ông /bà) trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất đó).

20. Tôi là chuyên viên đang trong thời gian tập sự của Sở Giáo dục và Đào tạo X. Xin hỏi, sau khi hết thời gian tập sự, được chính thức bổ nhiệm vào ngạch công chức thì tôi có phải kê khai tài sản hàng năm không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì các ngạch công chức và chức danh sau đây phải thực hiện kê khai hàng năm:

a) Chấp hành viên;

b) Điều tra viên;

c) Kế toán viên;

d) Kiểm lâm viên;

đ) Kiểm sát viên;

e) Kiểm soát viên ngân hàng;

g) Kiểm soát viên thị trường;

h) Kiểm toán viên;

i) Kiểm tra viên của Đảng;

k) Kiểm tra viên hải quan;

l) Kiểm tra viên thuế;

m) Thanh tra viên;

n) Thẩm phán.

 Do đó, vì bạn là người đang tập sự nên nếu không được bổ nhiệm vào ngạch công chức và các chức danh nêu trên thì hằng năm bạn không phải kê khai tài sản.

21. Tôi được bổ nhiệm chức vụ phó phòng văn hóa thông tin huyện X, tỉnh Y. Trước khi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo tôi đã thực hiện kê khai tài sản theo quy định. Tôi muốn biết, mình có phải kê khai thu nhập, tài sản hàng năm không?

Trả lời:

Theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực sau đây phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm:

1. Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

2. Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

3. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

4. Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

5. Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp.

6. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

7. Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

8. Quản lý các đối tượng nộp thuế.

9. Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ.

10. Kiểm hóa hàng hóa xuất nhập khẩu.

11. Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

12. Cấp giấy phép hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng

13. Thẩm định, quyết định cấp tín dụng tại các ngân hàng có vốn chi phối của nhà nước.

14. Xử lý công nợ, các khoản nợ xấu; hoạt động mua và bán nợ; thẩm định, định giá trong đấu giá.

15. Cấp phát tiền, hàng thuộc Kho bạc nhà nước và dự trữ quốc gia.

16. Thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

17. Cấp giấy phép hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

18. Giám sát hoạt động ngân hàng.

19. Cấp giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại.

20. Cấp giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

21. Quản lý thị trường.

22. Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng.

23. Thẩm định dự án xây dựng.

24. Quản lý quy hoạch xây dựng.

25. Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng.

26. Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.

27. Cấp chứng chỉ năng lực đối với tổ chức hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân hoạt động xây dựng, giấy phép hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài.

28. Giám định kỹ thuật, quản lý các công trình giao thông.

29. Đăng kiểm các loại phương tiện giao thông.

30. Sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông.

31. Cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm.

32. Cấp giấy chứng nhận hành nghề y, dược.

33. Cấp giấy phép, giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm; cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

34. Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc tân dược.

35. Cấp giấy phép nhập khẩu hóa chất diệt côn trùng, khử trùng.

36. Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu mỹ phẩm.

37. Kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

38. Quản lý, giám sát, cung ứng các loại thuốc; dược liệu, dụng cụ, thiết bị vật tư y tế; các loại sản phẩm màu liên quan đến việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe con người và lợi ích xã hội.

39. Thẩm định và định giá các loại thuốc tân dược.

40. Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

41. Cấp giấy phép công nhận cơ sở lưu trú du lịch.

42. Cấp giấy phép công nhận di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia.

43. Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

44. Cấp giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.

45. Cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

46. Cấp giấy phép xuất nhập khẩu và phổ biến các ấn phẩm văn hóa.

47. Thẩm định hồ sơ công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.

48. Thẩm định và cấp giấy phép chương trình, tiết mục, vở diễn của các tổ chức cá nhân Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn tại Việt Nam.

49. Thẩm định, trình phê duyệt các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật.

50. Trình phê duyệt hoặc thỏa thuận việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

51. Cấp giấy phép hoạt động về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí và xuất bản.

52. Cấp giấy phép hoạt động, cấp và phân bổ tài nguyên trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

53. Quản lý các chương trình quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, trên Internet.

54. Phân bổ, thẩm định, quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

56. Cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

57. Cấp giấy phép xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại.

58. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

59. Cấp giấy phép về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.

60. Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất.

61. Giao hạn mức đất; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng.

62. Xử lý vi phạm hành chính về môi trường.

63. Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng.

64. Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.

65. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

66. Quản lý thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.

67. Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.

68. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

69. Thẩm định dự án.

70. Đấu thầu.

71. Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.

72. Quản lý quy hoạch.

73. Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất.

74. Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

75. Quản lý ODA.

76. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ lãnh sự, cấp visa, quản lý xuất, nhập cảnh.

77. Tiếp nhận và giải quyết việc đăng ký kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; đăng ký giao dịch bảo đảm.

78. Tiếp nhận và giải quyết việc cải chính hộ tịch; lý lịch tư pháp.

79. Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

80. Cấp giấy phép thành lập các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề; phân bổ chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề.

81. Thực hiện chính sách đối với người có công; bảo trợ xã hội.

82. Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.

83. Thẩm định hồ sơ cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

84. Thẩm định, giám định công nghệ đối với các dự án đầu tư.

85. Thẩm định, tư vấn cấp các văn bằng sở hữu trí tuệ.

86. Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

87. Tuyển sinh vào các trường công lập.

88. Phân bố chỉ tiêu đào tạo đại học, sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài.

89. Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

90. Thẩm định sách giáo khoa, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.

91. Thẩm định hồ sơ thành lập các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

92. Quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

93. Dạy nghề và giới thiệu việc làm.

94. Quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học.

95. Kiểm soát cửa khẩu.

96. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

97. Đăng ký và cấp biển số các loại phương tiện giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

98. Thẩm tra phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy.

99. Giám thị, quản giáo tại các trại giam, trại tạm giam và các cơ sở giáo dục bắt buộc.

100. Đăng ký, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

101. Thủ quỹ, kế toán.

102. Người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, tài chính.

103. Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

104. Trợ lý quân lực, Trợ lý cán bộ cấp Trung đoàn trở lên.

105. Trợ lý quản lý học viên, tuyển sinh, chính sách, bảo hiểm của các nhà trường.

 Như vậy, đối chiều với quy định trên của pháp luật, bạn không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

22. Xin hỏi, pháp luật quy định người được bổ nhiệm vào ngạch công chức và chức danh nào phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì những người được bổ nhiệm vào ngạch công chức và chức danh sau phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm:

a) Chấp hành viên;

b) Điều tra viên;

c) Kế toán viên;

d) Kiểm lâm viên;

đ) Kiểm sát viên;

e) Kiểm soát viên ngân hàng;

g) Kiểm soát viên thị trường;

h) Kiểm toán viên;

i) Kiểm tra viên của Đảng;

k) Kiểm tra viên hải quan;

l) Kiểm tra viên thuế;

m) Thanh tra viên;

n) Thẩm phán.

23. Tôi đang công tác tại huyện A và đang hoàn tất thủ tục để được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Nguyên do là tôi và chồng đã được Tòa án nhân dân huyện A ra quyết định ly hôn nhưng chồng tôi không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân huyện A nên đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh B. Đơn kháng cáo này đã được Tòa án tỉnh thụ lý. Vậy, trường hợp của tôi sẽ kê khai tài sản, thu nhập như thế nào?

Trả lời:

Theo như chị trình bày thì đơn kháng cáo bản án ly hôn của chồng chị đã được Tòa án nhân tỉnh thụ lý giải quyết, nên quyết định ly hôn của Tòa án nhân dân huyện A chưa có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, theo quy định pháp luật, anh chị vẫn là vợ chồng; những tài sản trước đây được kê khai là tài sản chung của vợ chồng thì nay vẫn là tài sản chung của hai anh chị. Việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn được thực hiện theo Mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP).

24. Bà Tr chuyển nhượng quyền sử dụng đất do bố mẹ bà để thừa kế được 3 tỷ đồng; bà Tr sử dụng khoản tiền này để nhận chuyển nhượng 01 thửa đất ở khác có giá mua 2,5 tỷ đồng và mua một chiếc xe ô tô với giá 600triệu đồng. Ngoài ra bà Tr còn được bố mẹ cho thừa kế 700 triệu đồng, khoản tiền này bà Tr dùng 100 triệu để mua ô tô và gửi Ngân hàng 600 triệu. Do bà Tr là công chức của cơ quan x. Xin hỏi bà Tr sẽ kê khai thu nhập, tài sản biến động như thế nào?

[N1] Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì bà Tr sẽ kê khai việc tăng, giảm tài sản theo quy định tại Phụ lục kê khai tài sản, thu nhập. Cụ thể như sau:

Loại tài sản, thu nhập

Tăng/giảm

Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập

Số lượng tài sản

Giá trị tài sản, thu nhập

 

1. Quyền sử dụng đất

1.1/Đất ở

- Bán thửa đất ở xã M, huyện C

- 150m2

3 tỷ đồng

Giảm do bán

2. Nhà ở, công trình xây dựng

2.1. Nhà ở

- Mua nhà ở tại Khu đô thị C

+ 75 m2

2,5 tỷ đồng

 

Mua nhà từ tiền bán thửa đất ở xã M, huyện C

3. Tài sản khác gắn liền với đất

 

 

 

4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

 

 

 

5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

- Gửi tiết kiệm tại ngân hàng D

+ 01 Sổ tiết kiệm

600 triệu

Tiết kiệm từ thu nhập

6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

 

 

 

7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm:

7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký

- Mua ô tô, số ĐK: 30E-xxxxx

+ 01

600 triệu

Mua ô tô từ tiền bán thửa đất ở xã M, huyện C

8. Tài sản ở nước ngoài

 

 

 

9. Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

 

+ 3,7 tỷ đồng

Được hưởng thừa kế 01 thửa đất ở xã M, huyện C bán được 3 tỷ đồng và được thừa kế tiền mặt 700 triệu đồng

25. Xin cho biêt, pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập?

Trả lời:

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; cụ thể như sau:

- Thứ nhất, đối với người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

- Thứ hai, đối với người có hành vi vi phạm làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

- Thứ ba, đối với người có hành vi vi phạm là thành viên, hội viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của tổ chức đó.

26. Sau khi bố mẹ chồng tôi chết có để thừa kế lại cho vợ chồng tôi nhiều tài sản có giá trị như đất đai, nhà cửa và một số cổ vật có giá trị hàng trăm triệu đồng. Xin hỏi tôi có phải kê khai những tài sản là cổ vật này không?

Trả lời:

Theo Mẫu bản kê khai ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì, tài sản phải kê khai là tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm:

1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký (tầu bay, tầu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô, mô tô, xe gắn máy...).

2. Tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác).

Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu các cổ vật mà vợ chồng ông/bà được thừa kế có giá trị hàng trăm triệu đồng thì ông/bà phải kê khai cả những cổ vật này.

27. Xin cho biết, người kê khai tài sản mà kê khai không trung thực hoặc tẩu tán, che giấu tài sản trước khi kê khai thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, cụ thể  như sau:

- Một là, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Hai là, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

28. Xin cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:

a) Bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên;

Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị. Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị; nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và có tổ, đội, nhóm thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức thuộc tổ, đội, nhóm;

b) Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoặc công khai tại cuộc họp toàn thể cán bộ, công chức xã;

c) Bản kê khai của những người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp nhà nước hoặc công khai tại cuộc họp gồm Ủy viên Hội đồng nhân dân, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Trưởng các đoàn thể trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

d) Bản kê khai của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp như được nêu tại các điểm a, b và c khoản này.

Việc công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.

Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập.Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình.Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.

29. Tôi xin hỏi, pháp luật có quy định bắt buộc phải công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hay không?

Trả lời:

Có.

Điều 12 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định về việc công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo đó, bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó.

Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như sau:

a) Phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm;

b) Đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có).

Người kê khai có quyền giải thích các ý kiến nêu tại cuộc họp liên quan tới bản kê khai (nếu có).

Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

30. Đề nghị cho biết, bản kê khai tài sản của người dự kiến được bổ nhiệm làm lãnh đạo có phải công khai không? Nếu có thì hình thức công khai như thế nào?

Trả lời:

Có.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị địnhsố 130/2020/NĐ-CPthì Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp để bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Việc công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

31. Xin hỏi, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập?

Trả lời:

Việc xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiên theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Các hành vi vi phạm quy định lại Điều 20 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, các quy định nêu trên nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

32. Xin hỏi, pháp luật quy định như thế nào về tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh?

Trả lời:

Điều 16 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

1. Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

2. Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;

b) Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;

c) Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

33. Bà Tr là người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào Công ty cổ phần xuất nhập khẩu X. Xin hỏi, bà Tr có phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm không?

Trả lời:

Có.

Tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

 


 [N1]Câu này là vid dụ trong Nghị định, chỉ sửa số liệu tiền nên giữ ngueyen


Tập tin đính kèm
Tác giả: VP
Nguồn:Tài liệu PBGDPL - Bộ Tư pháp Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...