Tìm hiểu một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên giới quốc gia
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên giới quốc gia

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt chính nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính sau:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

- Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng;

- Trục xuất.

3. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

- Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

- Buộc rời khỏi khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu;

- Buộc tiêu hủy giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới hết giá trị sử dụng;

- Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định;

- Buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu đối với mốc quốc giới, cọc dấu, điểm cơ sở, bia chủ quyền, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới, biển báo trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng;

- Buộc lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan;

- Buộc nộp lại giấy phép đi bờ, giấy phép xuống tàu;

- Tạm dừng thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với phương tiện Việt Nam, tạm dừng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh đối với phương tiện nước ngoài.

4. Xin cho biết, mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là bao nhiêu?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50.000.000 đồng.

5. Xin cho biết hành vi đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hành vi đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới sẽ bị

phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hành vi này bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu.

6. Nổi tiếng giàu có nhờ kinh doanh gỗ trong vùng, gia đình ông A đã tiến hành khởi công xây dựng công trình nhà thờ họ kiên cố toàn bộ bằng gỗ lim. Tuy nhiên, công trình này lại được xây dựng trong phạm vi 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Theo quy định của pháp luật, hành vi của ông A và gia đình có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hành vi xây dựng công trình nhà thờ họ kiên cố trong phạm vi 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Lào của ông A và gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi của ông A và gia đình là:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, giấy phép xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hành vi của ông A và gia đình sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phân công trình không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.

7. Xin cho biết, công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu  sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 12, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực biên giới đất liền.

8. Vì muốn giúp chị họ là N thuận tiện trong quá trình qua lại biên giới Lào, H – cư dân biên giới đã cho N mượn giấy chứng nhận biên giới của mình. Hành vi này của H có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm pháp luật thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi của H là vi phạm pháp luật và việc H cho N mượn giấy chứng nhận biên giới của mình để qua lại biên giới sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 11, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này của H là tịch thu giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới.

9. Trường hợp cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền nhưng không cử người đi cùng, không thông báo với Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì trường hợp cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền nhưng không cử người đi cùng, không thông báo với Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

10. Xin cho biết trường hợp cư dân biên giới qua lại biên giới không có giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới theo quy định thì bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì trường hợp cư dân biên giới qua lại biên giới không có giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

11. Theo quy định của pháp luật, hành vi đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng vật gây nổ, chất có độc, xung điện trên sông suối, trong lòng đất khu vực biên giới sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng vật gây nổ, chất có độc, xung điện trên sông suối, trong lòng đất khu vực biên giới sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 11, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm d, khoản 12, Điều 6 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc tiêu huỷ hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm có nội dung độc hại, buộc chịu trách nhiệm chi phí để thực hiện khôi phục tình trạng ban đầu.

12. Theo quy định của pháp luật, hành vi tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền không đúng quy định sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền không đúng quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới đất liền.

13. Hành vi điều khiển phương tiện vận tải liên vận xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đất liền không có phù hiệu gắn trên phương tiện bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi điều khiển phương tiện vận tải liên vận xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đất liền không có phù hiệu gắn trên phương tiện bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm c, khoản 8 Điều 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đổi với hành vi này là tạm dừng thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với phương tiện Việt Nam, tạm dừng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh đối với phương tiện nước ngoài.

          14. Xin cho biết, hành vi hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 7 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng.

          15. D là công dân Việt Nam. Khi vào khu vực biên giới biển, D quên không mang theo Chứng minh thư nhân dân và Hộ chiếu. Hành vi này của D có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi của D là quên không mang theo Chứng minh thư nhân dân và Hộ chiếu khi vào khu vực biên giới biển sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này của D là buộc rời khỏi khu vực biên giới biển.

16. Xin cho biết, hành vi ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong khu vực hạn chế hoạt động tại khu vực biên giới biển bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong khu vực hạn chế hoạt động tại khu vực biên giới biển bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 12, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 13, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực biên giới biển.

17. Theo quy định của pháp luật, hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện ở khu vực có biển cấm nằm trong khu vực biên giới biển bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện ở khu vực có biển cấm nằm trong khu vực biên giới biển bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 12, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 13, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực biên giới biển.

18. C làm nghề chuyên sưu tầm cổ vật. Gần đây, C chuyển sang nghiên cứu và sưu tầm về các cổ vật dưới biển. Để tăng khả năng tìm được những món cổ vật có giá trị dưới biển, C đã thực hiện khai thác và trục vớt một số cổ vật nằm trong vùng nước nội thủy dù chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này của C có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 8, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi khai thác, trục vớt cổ vật trong vùng nước nội thủy khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của C sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này của C là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

 

19. Xin cho biết, hành vi sử dụng phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển không đúng mục đích sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi sử dụng phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển không đúng mục đích sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 12, Điều 8 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.

20. Theo quy định của pháp luật, trường hợp thuyền viên nước ngoài khi đi bờ không xuất trình giấy phép đi bờ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì trường hợp thuyền viên nước ngoài đi bờ không xuất trình giấy phép đi bờ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đển 1.000.000 đồng.

21. Chị K là người Người Việt Nam. Khi xuống một con tàu của nước ngoài, chị K không xuất trình được giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp khi được kiểm tra. Hành vi này của chị K sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì trường hợp chị K là người Việt Nam xuống tàu nước ngoài không xuất trình giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp khi xuống tàu bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đển 1.000.000 đồng.

22. Xin cho biết, hành vi không chấp hành hoặc cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi không chấp hành hoặc cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, nếu hành vi đó là của người nước ngoài thì hình thức xử phạt bổ sung đối với trường hợp này là trục xuất.

Ngoài ra theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu cảng.

          23. Theo quy định của pháp luật, hành vi gây mất an ninh, trật tự hoặc lôi kéo, kích động, xúi giục, giúp người khác gây mất an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi gây mất an ninh, trật tự hoặc lôi kéo, kích động, xúi giục, giúp người khác gây mất an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

Ngoài ra theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu cảng.

24. Xin cho biết, trường hợp thuyền viên, hành khách tự ý rời khỏi tàu thuyền khi chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh hoặc đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì trường hợp thuyền viên, hành khách tự ý rời khỏi tàu thuyền khi chưa hoàn thành thủ tục nhập cảnh hoặc đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

25. Xin cho biết, hành vi đưa hàng hóa trái phép lên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa hoặc từ tàu thuyền, phương tiện đường thủy xuống trong khu vực cửa khẩu cảng bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi đưa hàng hóa trái phép lên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa hoặc từ tàu thuyền, phương tiện đường thủy xuống trong khu vực cửa khẩu cảng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Và theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 9 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

26. Trong khi đi du lịch cùng gia đình ở Lạng Sơn, anh T thấy có tấm biển báo ghi “Khu vực cửa khẩu”. Vì tính hay nghịch ngợm, nhân lúc mọi người xung quanh không để ý, anh T đã lén xóa các dấu câu tại biển báo. Hành vi này của anh T có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi tẩy xóa chữ trên biển báo “Khu vực cửa khẩu” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 9, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu.

27. Xin cho biết, hành vi làm xê dịch, tháo dỡ, phá hủy các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” và các biển báo khác trong khu vực biên giới, cửa khẩu bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi làm xê dịch, tháo dỡ, phá hủy các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” và các biển báo khác trong khu vực biên giới, cửa khẩu bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 8, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

- Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

 Ngoài ra, theo quy định tại khoản 9, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

          28. Theo quy định của pháp luật, hành vi xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của công trình biên giới bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của công trình biên giới sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 8, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

- Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 9, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc chịu trách nhiệm chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

29. Theo quy định của pháp luật, hành vi làm giả các biển báo, “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” trong khu vực biên giới, cửa khẩu bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 7, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi làm giả các biển báo, “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, “khu vực biên giới biển”, “khu vực cửa khẩu” trong khu vực biên giới, cửa khẩu sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 8, Điều 10 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

- Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

30. Sau khi được cấp phép triển khai thực hiện công trình trong khu vực biên giới, anh Q là chủ đầu tư đã không thông báo bằng văn bản cho Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sở tại trước 03 ngày làm việc mà tiến hành xây dựng công trình luôn. Theo quy định của pháp luật, hành vi này của anh Q có đúng quy định không? Nếu vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi xây dựng công trình đã được cấp phép trong khu vực biên giới không thông báo bằng văn bản cho Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sở tại trước 03 ngày làm việc của anh Q là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

31. Xin cho biết, hành vi xây dựng dự án, công trình có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng chủ đầu tư không thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, đồn Biên phòng sở tại sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi xây dựng dự án, công trình có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng chủ đầu tư không thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, đồn Biên phòng sở tại sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

32. Theo quy định của pháp luật, hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa là văn hóa phẩm sẽ bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa là văn hóa phẩm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Và theo quy định tại khoản 6, Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

33. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ngoài khu vực cửa khẩu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ngoài khu vực cửa khẩu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

+ Hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa là văn hóa phẩm.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 12 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.

34. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

- Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản này nhưng không vượt quá mức phạt tối đa quy định tại Nghị định này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: Lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi; hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Và theo quy định tại khoản 4, Điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung đối với một trong các hành vi nêu trên là tịch thu tang vật vi phạm, trừ trường hợp hàng hóa đã được xác định có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP,  biện pháp khắc phục hậu quả đối với một trong các hành vi trên là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm.

35. Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm các quy định về tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới xảy ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan bị xử phạt như thế nào trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm các quy định về tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới xảy ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan sau đây:

 - Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hàng hóa chưa được phép của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật;

- Tự ý phá niêm phong hàng hóa;

- Không bảo đảm nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật chờ hoàn thành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu;

- Lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm quy định.

Và theo quy định tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP,  biện pháp khắc phục hậu quả đối với một trong các hành vi trên là:

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm.

- Buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định đối với hành vi Vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hàng hóa chưa được phép của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

36. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, khu vực biên giới quốc gia bao gồm những bộ phận nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, khu vực biên giới quốc gia bao gồm:

- Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền;

- Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo;

- Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới quốc gia trở vào.

37. Theo quy định của pháp luật, vùng nội thủy của Việt Nam bao gồm những bộ phận nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, vùng nội thủy của Việt Nam bao gồm:

- Các vùng nước phía trong đường cơ sở;

- Vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng.

38. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, vùng nước lịch sử được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, vùng nước lịch sử là vùng nước do những điều kiện địa lý đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam hoặc của Việt Nam và các quốc gia cùng có quá trình quản lý, khai thác, sử dụng lâu đời được Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan thỏa thuận sử dụng theo một quy chế đặc biệt bằng việc ký kết điều ước quốc tế.

39. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, các hành vi nào bị nghiêm cấm theo Luật Biên giới quốc gia?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Biên giới quốc gia bao gồm:

- Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới;

- Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới; phá hoại công trình biên giới;

- Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia;

- Qua lại trái phép biên giới quốc gia; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vũ khí, ma tuý, chất nguy hiểm về cháy, nổ qua biên giới quốc gia; vận chuyển qua biên giới quốc gia văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng hoá khác mà Nhà nước cấm nhập khẩu, xuất khẩu;

- Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khoẻ của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới;

- Các hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.

40. Xin cho biết, việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không; việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới.

Ngoài ra, người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

41. Theo quy định của pháp luật, tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân theo quy định nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải đi nổi và treo cờ quốc tịch.

42. Xin cho biết, theo quy định của pháp luật, tàu bay được bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam khi nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, tàu bay chỉ được bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, phải tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan quản lý bay Việt Nam, tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

43. Xin cho biết, trong trường hợp xẩy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan khác buộc phải qua biên giới quốc gia mà không thể tuân theo các quy định của Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam thì phải xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, trong trường hợp xẩy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan khác buộc phải qua biên giới quốc gia mà không thể tuân theo các quy định của Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam thì người điều khiển phương tiện phải thông báo ngay với cảng vụ, cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, cơ quan quản lý bay hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất và thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

44. Xin cho biết, đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa được quy định như sau:

- Đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải là đường mà mỗi điểm cách đều điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 24 hải lý.

- Đường ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền về kinh tế là đường mà mỗi điểm cách đều điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 200 hải lý.

- Đường ranh giới phía ngoài thềm lục địa là bờ ngoài của rìa lục địa. Nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải chưa đến 200 hải lý thì ranh giới phía ngoài của thềm lục địa nơi đó mở rộng ra 200 hải lý.

- Ở những nơi vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa Việt Nam có liên quan với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của nước láng giềng, đường ranh giới phía ngoài của các vùng đó được xác định theo Điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam và nước láng giềng đó.

- Đường ranh giới phía ngoài của vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa được xác định, đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

45. Theo quy định của Luật biên giới quốc gia hiện hành, mốc quốc giới được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, mốc quốc giới được quy định như sau:

- Mốc quốc giới được cắm theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế về biên giới đã được ký kết với nước láng giềng để đánh dấu đường biên giới quốc gia trên thực địa và được giữ gìn, bảo vệ giữ đúng vị trí, hình dáng, kích thước, ký hiệu, chữ và màu sắc đã được quy định.

- Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo mốc quốc giới bị hư hại, bị mất, bị sai lệch vị trí, đồn biên phòng gần nhất phải tiến hành các thủ tục cần thiết để có biện pháp kịp thời xử lý đồng thời thông báo ngay cho cơ quan, đơn vị bảo vệ biên giới nước láng giềng để giải quyết theo thẩm quyền do Hiệp định về biên giới đã ký kết quy định.

- Việc cắm lại, khôi phục, sửa chữa, bảo dưỡng mốc quốc giới thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đã ký kết với nước láng giềng.

46. Xin cho biết, theo quy định của Luật biên giới quốc gia hiện hành, việc bố trí dân cư ở khu vực biên giới được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, việc bố trí dân cư ở khu vực biên giới được quy định như sau:

- Bố trí dân cư ở khu vực biên giới được quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, tính chất và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, từng địa phương; huy động, sử dụng lao động hợp lý để tạo ra của cải vật chất, hàng hoá phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

- Nhà nước có chính sách phù hợp để nhân dân định cư ổn định ở khu vực biên giới; khuyến khích những cán bộ công tác lâu dài, người tình nguyện đến định cư ở khu vực biên giới, đặc biệt là nơi khó khăn.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới quốc gia nghiên cứu xây dựng quy hoạch, bố trí dân cư ở khu vực biên giới trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

47. Xin cho biết ngày Biên phòng toàn dân là ngày nào và bao gồm những nội dung hoạt động gì?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, ngày 03 tháng 3 là Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức thực hiện hàng năm trong phạm vi cả nước. Nội dung hoạt động gồm:

- Giáo dục ý thức pháp luật về biên giới quốc gia, tôn trọng biên giới, chủ quyền lãnh thổ, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân viên cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và của toàn dân; đặc biệt là cán bộ, nhân viên cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

- Huy động các ngành, các địa phương hướng về biên giới, tích cực tham gia xây dựng tiềm lực về mọi mặt ở khu vực biên giới, tạo ra sức mạnh của toàn dân, giúp đỡ Bộ đội biên phòng và các đơn vị khác thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

- Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, phối hợp hai bên biên giới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phòng, chống tội phạm.

Người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

48. Theo quy định của pháp luật, việc giải quyết các vấn đề về biên giới được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, việc giải quyết các vấn đề về biên giới được thực hiện như sau:

- Việc giải quyết vấn đề về biên giới, lãnh thổ liên quan đến nước láng giềng thông qua đàm phán theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.

- Nghiêm cấm việc tự ý thoả thuận sửa đổi đường biên giới quốc gia hoặc làm thay đổi đường biên giới quốc gia.

49. Theo quy định về biên giới quốc gia, cửa khẩu và các hoạt động tại cửa khẩu cần tuân thủ các quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, cửa khẩu và các hoạt động tại cửa khẩu cần tuân thủ các quy định như sau:

- Việc mở cửa khẩu và nơi mở ra cho qua lại biên giới, nâng cấp cửa khẩu, đóng cửa khẩu; xác định, công bố các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không cho việc quá cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đã được ký kết với nước láng giềng.

- Hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia của cư dân trong khu vực biên giới tại cửa khẩu thực hiện theo quy chế cửa khẩu do Chính phủ quy định và pháp luật có liên quan.

 

50. Xin cho biết, pháp luật quy định như thế nào về kiểm soát và bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia, việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu được quy định như sau:

- Tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường thuỷ nội địa, cửa khẩu đường hàng hải (cảng biển), cửa khẩu đường hàng không, các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.

+ Tại cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu đường sắt, cửa khẩu đường thuỷ nội địa trong khu vực biên giới, cửa khẩu đường hàng hải (cảng biển), Bộ đội biên phòng chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan để quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu.

+ Tại cửa khẩu đường hàng không, cơ quan an ninh của Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu.

- Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.


Tập tin đính kèm
Tác giả: VP
Nguồn:Tài liệu PBGDPL - Bộ Tư pháp Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết